Loading


Thông tư 16/2020/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về công tác khai đào công trình và lấy mẫu địa chất, khoáng sản tại công trình khai đào do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 16/2020/TT-BTNMT
Ngày ban hành 18/12/2020
Ngày có hiệu lực 08/02/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Trần Quý Kiên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2020/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT VỀ CÔNG TÁC KHAI ĐÀO CÔNG TRÌNH VÀ LẤY MẪU ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN TẠI CÔNG TRÌNH KHAI ĐÀO

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về công tác khai đào công trình và lấy mẫu địa chất, khoáng sản tại công trình khai đào.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định kỹ thuật công tác khai đào công trình và lấy mẫu tại các công trình khai đào trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.

2. Thông tư này không quy định về công tác địa vật lý, địa chất thủy văn có liên quan đến thực hiện công trình khai đào. Việc thực hiện công tác này tuân thủ theo quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình khai đào gồm: công trình dọn sạch vết lộ, hố, hào, giếng và lò trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.

2. Dọn sạch vết lộ là công trình địa chất đơn giản cần dọn sạch tại vị trí đã lộ đối tượng địa chất, khoáng sản được phát hiện trong quá trình đo vẽ địa chất, điều tra đánh giá khoáng sản.

3. Hố là công trình địa chất đơn giản để phát hiện khoáng sản, nghiên cứu đặc điểm địa chất, khoáng sản và lấy mẫu địa chất, khoáng sản.

4. Hào là công trình địa chất đơn giản có tiết diện ngang hình chữ nhật để phát hiện, làm rõ cấu trúc địa chất, bề dày, quan hệ thân khoáng sản với đá vây quanh và lấy các loại mẫu địa chất, khoáng sản.

5. Giếng là công trình địa chất chủ yếu, bao gồm giếng nông và giếng sâu, để phát hiện, khống chế thân khoáng sản có thế nằm thoải hoặc quặng sa khoáng; làm rõ đặc điểm địa chất, khoáng sản và lấy các loại mẫu địa chất, khoáng sản.

6. Lò là công trình địa chất ngầm chủ yếu, bao gồm lò bằng và lò nghiêng, để phát hiện, khống chế thân khoáng sản, làm rõ các đặc điểm địa chất, ranh giới thân khoáng sản và lấy các loại mẫu địa chất, khoáng sản.

7. Thông gió hút là phương pháp dùng quạt ở cửa, miệng công trình hút khí trong công trình ra ngoài, cho khí sạch lưu thông vào công trình.

8. Thông gió đẩy là phương pháp dùng quạt ở cửa, miệng công trình đẩy không khí vào trong công trình và cho khí trong công trình thoát ra ngoài.

9. Thông gió tổng hợp là phương pháp kết hợp cả phương pháp thông gió đẩy và thông gió hút.

10. Mẫu địa chất, khoáng sản là các loại mẫu gồm mẫu cục, mẫu điểm, mẫu rãnh, mẫu bóc tầng và mẫu khối, được lấy để phục vụ công tác: phân tích thành phần khoáng vật, cấu tạo, kiến trúc của đá và quặng, hóa thạch, đồng vị, tính cơ lý, thể trọng, tham số địa vật lý, địa hóa đá gốc; phát hiện khoáng hóa theo tảng lăn; kiểm tra khả năng có khoáng hóa trong vết lộ; đánh giá chất lượng khoáng sản, độ thu hồi khoáng sản.

11. Mẫu cục là mẫu lấy nguyên dạng đá hoặc quặng tại công trình khai đào.

12. Mẫu điểm là mẫu lấy ở dạng một số cục có kích cỡ đồng đều theo mạng lưới thiết kế từ đối tượng lấy mẫu sau đó gộp lại. Mẫu điểm được lấy theo dạng rãnh điểm hoặc lưới điểm.

13. Mẫu rãnh là mẫu được lấy theo rãnh tại các công trình khai đào trên các đối tượng địa chất, khoáng sản. Kích thước mẫu rãnh tùy thuộc vào các đối tượng địa chất, khoáng sản và đặc điểm phân bố của thành phần quặng, được xác định trong đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đề án thăm dò khoáng sản (sau đây gọi là đề án địa chất).

[...]
20