Loading


Thông tư 18/2013/TT-BKHCN Hướng dẫn thi hành Điều lệ Sáng kiến kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 18/2013/TT-BKHCN
Ngày ban hành 01/08/2013
Ngày có hiệu lực 25/09/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Quân
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 18/2013/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA ĐIỀU LỆ SÁNG KIẾN ĐƯỢC BAN HÀNH THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 13/2012/NĐ-CP NGÀY 02 THÁNG 3 NĂM 2012 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ (sau đây gọi là “Điều lệ Sáng kiến”) như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thi hành một số quy định về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến, việc áp dụng, chuyển giao sáng kiến, thỏa thuận về việc trả thù lao cho tác giả sáng kiến và người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu, trách nhiệm triển khai các biện pháp quản lý và hỗ trợ hoạt động sáng kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan.

Điều 2. Cơ sở có quyền và trách nhiệm xét công nhận sáng kiến

Cơ sở quy định tại khoản 4 Điều 2 của Điều lệ Sáng kiến có quyền và trách nhiệm xét công nhận sáng kiến, bao gồm:

1. Pháp nhân, tức là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật Dân sự, cụ thể là:

a) Được thành lập hợp pháp;

b) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Các đơn vị không có tư cách pháp nhân, nhưng có thể nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật dân sự một cách độc lập (ví dụ: hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư...).

3. Các đơn vị có con dấu và tài khoản riêng, hạch toán kinh tế phụ thuộc pháp nhân cấp trên (ví dụ: các chi nhánh của doanh nghiệp, các trung tâm trực thuộc tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước...), và được pháp nhân cấp trên ủy quyền, ủy nhiệm thực hiện việc công nhận sáng kiến ở đơn vị bằng văn bản hoặc quy định nội bộ (ví dụ: quy định trong quy chế về hoạt động sáng kiến ở cơ sở).

Điều 3. Đối tượng được công nhận là sáng kiến

Đối tượng được công nhận là sáng kiến gồm giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 của Điều lệ Sáng kiến. Giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được hiểu như sau:

1. Giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định, bao gồm:

a) Sản phẩm, dưới các dạng: vật thể (ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện); chất (ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm); vật liệu sinh học (ví dụ: chủng vi sinh, chế phẩm sinh học, gen, thực vật, động vật biến đổi gen); hoặc giống cây trồng, giống vật nuôi;

b) Quy trình (ví dụ: quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; quy trình chẩn đoán, chữa bệnh cho người, động vật và thực vật...).

2. Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có:

a) Phương pháp tổ chức công việc (ví dụ: bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu);

b) Phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.

3. Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có:

a) Phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính (ví dụ: tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đơn thư, tài liệu);

b) Phương pháp thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá;

c) Phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, huấn luyện;

[...]
161