Loading


Thông tư 19/2020/TT-BLĐTBXH quy định về Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 19/2020/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 30/12/2020
Ngày có hiệu lực 10/03/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Tấn Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2020/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HỘI GIẢNG NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về mục đích, yêu cầu, đối tượng, thẩm quyền tổ chức, khen thưởng, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo và công tác tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là Hội giảng).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với Hội giảng các cấp; trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp); nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

2. Thông tư này không áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhà giáo giảng dạy ở các trường cao đẳng, trường trung cấp thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Điều 3. Mục đích của Hội giảng

1. Phát hiện, công nhận, tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy giỏi; nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút các thành phần xã hội tham gia vào giáo dục nghề nghiệp; tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp của mỗi địa phương và của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

2. Tạo động lực cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nghề nghiệp.

3. Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn; đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho nhà giáo học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy.

4. Đánh giá năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; là cơ sở để các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Điều 4. Nguyên tắc của Hội giảng

1. Dựa trên sự tự nguyện của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; không ép buộc, không tạo áp lực cho nhà giáo tham gia Hội giảng.

2. Thu hút được nhiều nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tham gia.

3. Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, thực chất và đúng quy định của pháp luật.

Điều 5. Hội giảng các cấp, thẩm quyền tổ chức và đối tượng tham gia

1. Hội giảng các cấp gồm: Hội giảng cấp cơ sở; Hội giảng cấp tỉnh, cấp bộ; Hội giảng toàn quốc.

2. Thẩm quyền tổ chức Hội giảng

a) Hội giảng cấp cơ sở do các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức từ một đến hai lần trong khoảng thời gian hai kỳ Hội giảng cấp tỉnh, cấp bộ liên tiếp căn cứ nhu cầu và điều kiện của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

b) Hội giảng cấp tỉnh, cấp bộ gồm: Hội giảng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức; Hội giảng cấp bộ do Bộ, ngành tổ chức.

[...]
2