Loading


Thông tư 21/2021/TT-NHNN quy định về các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 21/2021/TT-NHNN
Ngày ban hành 28/12/2021
Ngày có hiệu lực 11/02/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Phạm Thanh Hà
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2021/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG NHÀ NƯỚC DUY TRÌ SỐ DƯ TIỀN GỬI TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về việc các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là các tổ chức tín dụng nhà nước) duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức tín dụng nhà nước. Các tổ chức tín dụng nhà nước không phải thực hiện quy định về duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt

2. Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 3. Số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì tại Ngân hàng Chính sách xã hội

1. Các tổ chức tín dụng nhà nước có trách nhiệm duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bàng đồng Việt Nam (sau đây gọi là số dư tiền gửi) tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng nhà nước bao gồm:

a) Tiền gửi của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam) và cá nhân tại tổ chức tín dụng nhà nước dưới các hình thức: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi vốn chuyên dùng;

b) Tiền tổ chức tín dụng nhà nước thu được từ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu;

c) Tiền gửi khác tại tổ chức tín dụng nhà nước theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận (trừ tiền ký quỹ; tiền gửi khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam).

Điều 4. Lãi suất số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội

1. Lãi suất số dư tiền gửi được xác định như sau:

Lãi suất số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội (%/năm) (a)

=

Lãi suất huy động vốn bình quân chung của các tổ chức tín dụng nhà nước (%/năm) (b)

+

Phí huy động vốn (%/năm) (c)

Trong đó:

(b) Là bình quân chung của lãi suất huy động vốn tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước của các tổ chức tín dụng nhà nước, được tính toán theo phương pháp bình quân gia quyền lãi suất các loại nguồn vốn huy động quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

(c) Là chi phí huy động vốn bình quân do Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng nhà nước thỏa thuận nhưng tối đa là 1,3%/năm.

2. Căn cứ báo cáo số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam và lãi suất huy động đối với từng kỳ hạn của các tổ chức tín dụng nhà nước theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ) tính toán mức lãi suất huy động vốn bình quân chung của các tổ chức tín dụng nhà nước tại thời điểm 31 tháng 12 năm trước và thông báo cho các tổ chức tín dụng nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội trước ngày 31 tháng 01 hằng năm để làm cơ sở xác định lãi suất số dư tiền gửi trong năm.

3. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ) nhận được đề nghị của tổ chức tín dụng nhà nước hoặc đề nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội về việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn bình quân chung do lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng nhà nước có sự biến động lớn so với lãi suất tại thời điểm thông báo trước đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng nhà nước báo cáo đột xuất theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và xem xét, quyết định điều chỉnh mức lãi suất huy động vốn bình quân chung, thông báo cho các tổ chức tín dụng nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội làm cơ sở xác định lãi suất số dư tiền gửi áp dụng đối với thời gian còn lại trong năm. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị điều chỉnh lãi suất của tổ chức tín dụng nhà nước hoặc của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho tổ chức tín dụng nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội về việc điều chỉnh hoặc giữ nguyên mức lãi suất huy động vốn bình quân chung của các tổ chức tín dụng nhà nước.

4. Kỳ tính lãi số dư tiền gửi do Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với các tổ chức tín dụng nhà nước phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.

[...]
4