Loading


Thông tư 23/2009/TT-BCA(V19) hướng dẫn thi hành Nghị định 76/2003/NĐ-CP và Nghị định 125/2008/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 76/2003/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 23/2009/TT-BCA(V19)
Ngày ban hành 22/04/2009
Ngày có hiệu lực 08/06/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Trách nhiệm hình sự

BỘ CÔNG AN 
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 23/2009/TT-BCA(V19)

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 76/2003/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 2003 QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 125/2008/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 2008 VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 76/2003/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Để thực hiện thống nhất các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và nghị định của Chính phủ về áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành một số nội dung cụ thể như sau:

I. VỀ XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC

Việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và quy định tại Điều 3 Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 (sau đây viết tắt là Nghị định số 76, Nghị định số 125) và hướng dẫn tại Thông tư này, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau đây:

1. Khoản 3 Điều 113 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 quy định: “Trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở chữa bệnh nếu có hành vi vi phạm các quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 và khoản 2 Điều 25 của Pháp lệnh này thì bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục”. Đồng thời, khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định: “Không đưa vào cơ sở giáo dục người chưa đủ 18 tuổi, nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi”. Do đó, đối với người thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 113 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và khoản 3 Điều 3 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125 mà chưa đủ 18 tuổi thì phải lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; chỉ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục trong trường hợp họ thực hiện hành vi vi phạm khi đã từ đủ 18 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam.

2. Các trường hợp sau đây được coi là không có nơi cư trú nhất định:

a) Không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú và thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở ổn định;

b) Có nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú nhưng không thường xuyên sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở ổn định.

3. Các trường hợp sau đây được coi là đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

a) Đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà có hành vi vi phạm được quy định tại Điều 3 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125;

b) Đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà lại có hành vi vi phạm được quy định tại Điều 3 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125.

4. Trường hợp hành vi vi phạm lần sau cùng đã được cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng sau khi xem xét, không đủ điều kiện để đề nghị áp dụng biện pháp này hoặc đã đề nghị nhưng không được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thì phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử phạt theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì thực hiện theo quy định tại Điều 113 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và Điều 12 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125.

Trong trường hợp cơ quan Công an đã thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục mà phát hiện người đó thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh được quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì phải chuyển ngay toàn bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

6. Đối với trường hợp đối tượng đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng mà bỏ trốn, đến khi bị bắt lại, người đó đã đủ 18 tuổi trở lên thì theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Trưởng Công an cấp huyện làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hủy quyết định đưa vào trường giáo dưỡng và lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục theo thủ tục chung mà không cần phải có điều kiện là đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

II. VỀ LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC

1. Việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 9 Nghị định số 76 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125; trong đó, việc lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cấp xã có liên quan, tùy từng trường hợp cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể tổ chức cuộc họp hoặc lấy ý kiến tham gia bằng văn bản. Ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức xã hội có liên quan phải được nghiên cứu, tham khảo để cân nhắc trong quá trình xem xét, quyết định việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục.

2. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thu thập tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xem xét, làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (gửi qua Công an cấp huyện). Công an cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

III. TRÁCH NHIỆM CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN, LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ TỔ CHỨC ĐƯA NGƯỜI PHẢI CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo Bộ Công an trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục và tổ chức đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở giáo dục.

2. Giám đốc Công an cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm:

a) Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục theo thẩm quyền;

b) Làm thường trực Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở giáo dục (sau đây viết tắt là Hội đồng tư vấn); trường hợp không thể tham gia Hội đồng tư vấn thì ủy quyền Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát làm thường trực Hội đồng tư vấn.

3. Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chủ trì phối hợp với Phòng Pháp chế hoặc Văn phòng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bộ phận Pháp chế) và các đơn vị có liên quan giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh trong việc xem xét, lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục và hướng dẫn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thuộc Công an cấp huyện trong việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục;

b) Chậm nhất 7 (bảy) ngày làm việc, trước khi họp Hội đồng tư vấn, phải sao gửi các Thành viên Hội đồng tư vấn văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục hoặc văn bản của cơ quan Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục; bản tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục và các tài liệu khác có liên quan đến việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; đồng thời, gửi giấy mời đại diện thường trực Hội đồng nhân dân hoặc đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham dự cuộc họp Hội đồng tư vấn (kèm theo các tài liệu nêu trên);

c) Tổ chức thi hành Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục:

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ