Loading


Thông tư 26/2023/TT-BYT hướng dẫn quản lý thuốc methadone do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 26/2023/TT-BYT
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 15/03/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Liên Hương
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2023/TT-BYT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THUỐC METHADONE

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 64/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 71/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý thuốc methadone.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc quản lý thuốc methadone bao gồm: giao, nhận thuốc methadone; kê đơn, cấp phát thuốc methadone; quản lý hồ sơ, sổ theo dõi và báo cáo thuốc methadone trong hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Điều 2. Áp dụng pháp luật trong quản lý thuốc methadone

Việc quản lý thuốc methadone phải tuân thủ các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật về quản lý thuốc gây nghiện, trong đó:

1. Việc bảo quản thuốc methadone tại cơ sở điều trị thay thế và cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế (sau đây viết tắt là cơ sở cấp phát thuốc) thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt (sau đây viết tắt là Thông tư số 20/2017/TT-BYT).

2. Việc hủy thuốc methadone và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc methadone thực hiện theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 (sau đây viết tắt là Nghị định số 54/2017/NĐ-CP).

Chương II

GIAO, NHẬN THUỐC METHADONE

Điều 3. Giao, nhận thuốc methadone

1. Việc giao, nhận thuốc methadone giữa cơ sở kinh doanh thuốc và cơ sở điều trị thay thế thực hiện theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP. Biên bản giao nhận thuốc methadone được lập thành 03 bản: 01 bản lưu tại cơ sở điều trị thay thế, 01 bản lưu tại cơ sở kinh doanh thuốc và 01 bản gửi cho Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) đối với nguồn thuốc methadone thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế hoặc đơn vị đầu mối mua và phân phối thuốc methadone đối với nguồn thuốc thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Y tế).

2. Việc giao, nhận thuốc methadone giữa cơ sở điều trị thay thế và cơ sở cấp phát thuốc thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 20/2017/TT-BYT.

3. Nhân viên quản lý kho thuốc của cơ sở điều trị thay thế và cơ sở cấp phát thuốc thực hiện ghi chép thông tin thuốc methadone đã nhận vào sổ theo dõi xuất, nhập, tồn kho thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc (sau đây viết tắt là sổ theo dõi kho thuốc) theo quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư số 20/2017/TT-BYT.

Điều 4. Giao, nhận thuốc methadone hằng ngày tại cơ sở điều trị thay thế và cơ sở cấp phát thuốc

1. Giao, nhận thuốc methadone hằng ngày:

a) Giao, nhận thuốc methadone đầu ngày: Căn cứ vào số lượng thuốc methadone đã sử dụng thực tế của ngày hôm trước, nhân viên quản lý kho thuốc của cơ sở điều trị thay thế hoặc cơ sở cấp phát thuốc chuẩn bị số lượng thuốc methadone dự kiến sử dụng cho ngày hôm đó để giao cho nhân viên cấp phát thuốc. Khi thực hiện giao thuốc methadone, nhân viên cấp phát thuốc ghi chép số lượng thuốc methadone nhận đầu ngày vào sổ theo dõi giao, nhận thuốc methadone hằng ngày theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giao, nhận thuốc methadone cuối ngày: Sau khi hoàn thành việc cấp phát thuốc methadone, nhân viên cấp phát thuốc kiểm tra số lượng thuốc methadone đã cấp phát, số lượng hư hao hoặc dư thừa và số lượng thuốc methadone tồn cuối ngày, bàn giao số lượng thuốc methadone chưa sử dụng hết trong ngày cho nhân viên quản lý kho thuốc, ghi chép vào Sổ theo dõi kho thuốc và Sổ theo dõi giao, nhận thuốc methadone hằng ngày theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Giao, nhận thuốc methadone cho ngày nghỉ hàng tuần, nghi lễ, tết (sau đây viết tắt là kỳ nghỉ):

a) Giao, nhận thuốc methadone trước kỳ nghỉ: Căn cứ vào số lượng thuốc methadone đã sử dụng thực tế của ngày hôm trước kỳ nghỉ, nhân viên quản lý kho thuốc của cơ sở điều trị thay thế hoặc cơ sở cấp phát thuốc chuẩn bị số lượng thuốc methadone đủ để cấp phát cho người bệnh tương ứng với số ngày trong kỳ nghỉ giao cho nhân viên cấp phát thuốc. Khi thực hiện việc giao thuốc methadone, nhân viên cấp phát thuốc ghi chép số lượng thuốc methadone thực nhận vào Sổ theo dõi giao, nhận thuốc methadone hàng ngày theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giao, nhận thuốc methadone trong kỳ nghỉ: Sau khi kết thúc ca trực, nhân viên cấp phát thuốc ca trực này thực hiện bàn giao số lượng thuốc methadone thực tế cho nhân viên của ca trực sau. Khi thực hiện bàn giao thuốc methadone, nhân viên cấp phát thuốc của ca trực sau ghi chép số lượng thuốc methadone thực nhận vào Sổ theo dõi giao, nhận thuốc methadone hằng ngày theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

[...]
2