Loading


Thông tư 34/2024/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm và thành lập bản đồ địa hình đáy biển từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ tương ứng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 34/2024/TT-BTNMT
Ngày ban hành 16/12/2024
Ngày có hiệu lực 31/01/2025
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Nguyễn Thị Phương Hoa
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2024/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2024

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT VỀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ QUỐC GIA TỶ LỆ 1:50.000 BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐO SÂU HỒI ÂM VÀ THÀNH LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH ĐÁY BIỂN TỪ CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ QUỐC GIA TỶ LỆ TƯƠNG ỨNG

Căn cứ Luật Đo đạc và bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;

Căn cứ Nghị định số 136/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;

Căn cứ Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm và thành lập bản đồ địa hình đáy biển từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ tương ứng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm và thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc tỷ lệ tương ứng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm và thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ tương ứng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ và chữ viết tắt

1. Điểm kiểm tra phương tiện đo biển là điểm có tọa độ và độ cao quốc gia được sử dụng để đo dẫn độ cao đến điểm "0" trạm quan trắc mực nước, phục vụ việc lắp đặt, kiểm tra hệ thống đo sâu trên tàu và làm trạm cố định trong trường hợp đo động thời gian thực.

2. Điểm "0" trạm quan trắc mực nước là điểm đặt thước đo mực nước hoặc thiết bị đo triều ký tự động để thuận tiện cho việc thu nhận số liệu mực nước, trong quá trình quan trắc, giá trị độ cao điểm này được quy ước = 0.

3. Đo sâu hồi âm là phương pháp sử dụng sóng âm để đo độ sâu của nước.

4. GNSS (Global Navigation Satellite System) là hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu.

5. DGNSS (Differential Global Navigation Satellite System) là hệ thống dẫn đường sai phân bằng vệ tinh toàn cầu.

6. RTK (Real Time Kinematic) là công nghệ đo động thời gian thực.

7. SVS (Sound Velocity Sensor) là loại máy đo tốc độ âm trong môi trường nước tại một vị trí cụ thể, thường được lắp đặt cạnh đầu phát biến của máy đo sâu hồi âm đa tia để xác định tốc độ âm tức thời tại vị trí của đầu phát biến.

8. SVP (Sound Velocity Profiler) là loại máy đo tốc độ âm trong môi trường nước có thể ghi lại giá trị tốc độ âm theo các độ sâu khác nhau, tạo thành một hồ sơ tốc độ âm chi tiết theo chiều sâu của nước.

9. Raster là cấu trúc dữ liệu dạng ô được sắp xếp theo hàng cột để lưu hình ảnh số. Cấu trúc Raster được sử dụng là một trong các định dạng của mô hình số độ cao; trong đó, mỗi ô được tham chiếu bởi vị trí tọa độ X, Y và lưu trữ một giá trị số đại diện cho một thuộc tính địa lý (giá trị độ cao).

10. GDB (Geodatabase) là một định dạng lưu trữ cơ sở dữ liệu của cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.

11. GeoTIFF là tệp ảnh số có phần mở rộng là *.tif gắn với tọa độ của các đối tượng địa lý trong một hệ tọa độ xác định.

12. GeoPDF là tệp dữ liệu có phần mở rộng là *.pdf gắn với tọa độ của các đối tượng địa lý trong một hệ tọa độ xác định. Tệp GeoPDF chứa dữ liệu không gian và thuộc tính của các đối tượng địa lý.

[...]
9