Loading


Thông tư 38/2005/TT-BTC hướng dẫn trình tự, thủ tục, xử lý tài chính khi thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 38/2005/TT-BTC
Ngày ban hành 18/05/2005
Ngày có hiệu lực 15/07/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 38/2005/TT-BTC NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI  THÀNH LẬP MỚI, TỔ CHỨC LẠI VÀ GIẢI THỂ CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Thực hiện Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 của Chính phủ về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước;

Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý tài chính khi thành lập mới, tổ chức lại, giải thể công ty nhà nước như sau:

I. VỐN ĐIỀU LỆ THÀNH LẬP MỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC:

Khi xây dựng đề án thành lập mới công ty nhà nước, người đề nghị thành lập phải thống nhất với Bộ Tài chính về dự kiến mức vốn điều lệ của công ty nhà nước, tiến độ đầu tư vốn, nguồn vốn và các giải pháp hình thành vốn điều lệ.

Mức vốn điều lệ theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 của Chính phủ về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 180/2004/NĐ-CP).

Phương pháp xác định vốn điều lệ, thời gian đầu tư vốn điều lệ cho công ty nhà nước mới thành lập theo quy định tại Điều 6 quy chế quản lý tài chính công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế tài chính kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP).

II. XỬ LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP SÁP NHẬP, HỢP NHẤT CÔNG TY NHÀ NƯỚC:

1. Điều kiện sáp nhập, hợp nhất công ty nhà nước theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP. Không sáp nhập, hợp nhất công ty nhà nước kinh doanh thua lỗ mất hết vốn nhà nước vào công ty nhà nước khác.

2. Hồ sơ đề nghị sáp nhập, hợp nhất công ty theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP.

3. Kiểm kê, phân loại tài sản và xử lý tài chính khi sáp nhập, hợp nhất công ty nhà nước.

Trong thời gian 30 ngày sau khi có quyết định sáp nhập, hợp nhất; công ty bị sáp nhập, các công ty bị hợp nhất có trách nhiệm khoá sổ kế toán; tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản công ty đang quản lý, sử dụng và lập báo cáo tài chính ở thời điểm sáp nhập, hợp nhất:

3.1. Kiểm kê xác định số lượng, chất lượng và giá trị tài sản thực tế công ty đang quản lý và sử dụng; phân loại tài sản đã kiểm kê theo các nhóm sau:

+ Tài sản cần dùng.

+ Tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý.

+ Tài sản hình thành từ quỹ khen thưởng, phúc lợi (nếu có).

+ Tài sản thuê ngoài, vật tư hàng hoá nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận bán hộ, nhận ký gửi.

3.2. Xác định tài sản thừa, thiếu so với sổ kế toán và xử lý như sau:

- Đối với tài sản thiếu, hao hụt, mất mát phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường theo qui định của pháp luật. Giám đốc công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất quyết định mức bồi thường. Đối với tài sản hao hụt, mất mát có mua bảo hiểm phải làm việc với cơ quan bảo hiểm để xác định mức bồi thường. Khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản thiếu hụt và số tiền bồi thường được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính, nếu không đủ hạch toán vào kết quả kinh doanh của công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất.

- Đối với giá trị tài sản thừa nếu không xác định được nguyên nhân và không tìm được chủ sở hữu thì hạch toán vào kết quả kinh doanh của công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất.

3.3. Lập danh sách các chủ nợ, khách nợ, đối chiếu, xác nhận và phân loại các khoản nợ phải thu, nợ phải trả, lập bản kê chi tiết đối với từng loại công nợ theo quy định sau:

- Nợ phải thu: xác định nợ phải thu có khả năng thu hồi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi và xử lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước và Thông tư số 85/2002/TT-BTC ngày 26/09/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ.

Đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi phải xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường. Giám đốc công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất quyết định mức bồi thường. Chênh lệch giữa giá trị nợ phải thu không có khả năng thu hồi với tiền bồi thường được bù đắp bằng dự phòng nợ phải thu khó đòi, qũy dự phòng tài chính, nếu thiếu hạch toán vào kết quả kinh doanh của công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất.

- Nợ phải trả: xác định các khoản nợ phải trả trong hạn, nợ phải trả đã quá hạn trả, các khoản nợ phải trả nhưng không phải trả.

Đối với nợ phải trả nhưng không phải trả hạch toán vào kết quả kinh doanh của công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất.

4. Lập Báo cáo tài chính, quyết toán thuế với cơ quan thuế tại thời điểm sáp nhập, hợp nhất theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5. Nếu công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất không thực hiện việc kiểm kê, phân loại tài sản, đối chiếu xác nhận công nợ, không lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế để trì hoãn hoặc kéo dài thời gian bàn giao dẫn đến làm tổn thất tài sản của công ty hoặc gây khó khăn cho điều hành và hoạt động của công ty nhận sáp nhập, công ty hợp nhất thì giám đốc công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất gây ra.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ