Loading


Thông tư 42-TC/CSTC-1996 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với ngân hàng phục vụ người nghèo do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 42-TC/CSTC
Ngày ban hành 31/07/1996
Ngày có hiệu lực 15/08/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 42-TC/CSTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 42 TC/CSTC NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO

Căn cứ Quyết định số 525/TTg ngày 31 tháng 8 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ, về việc thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước được Chủ tịch nước công bố tại Công lệnh số 39-L/CTN ngày 30 tháng 4 năm 1995.
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính ngày 23 tháng 5 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Căn cứ Điều lệ Ngân hàng phục vụ người nghèo đã được Chính phủ thông qua tại công văn số 361/KTTH ngày 22 tháng 1 năm 1996.
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Ngân hàng phục vụ người nghèo như sau:

I. NỘI DUNG CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO

Ngân hàng phục vụ người nghèo là tổ chức tín dụng Nhà nước, hạch toán kinh tế độc lập, tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình trước pháp luật, thực hiện bảo tồn và phát triển vốn, tự bù đắp chi phí hoạt động và rủi ro nghiệp vụ.

Hoạt động của Ngân hàng phục vụ người nghèo mang tính chất đặc thù vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo, không vì mục đích lợi nhuận, cho nên được áp dụng cơ chế quản lý tài chính riêng biệt.

1. Quản lý vốn và bảo tồn vốn

Ngân hàng phục vụ người nghèo được Nhà nước cấp vốn pháp định, tiếp nhận vốn tín dụng của Nhà nước dành cho người nghèo và các nguồn vốn khác được Nhà nước cho phép, được huy động vốn của các tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước để lập quỹ cho vay phục vụ người nghèo vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Ngân hàng phục vụ người nghèo được bổ sung tăng vốn điều lệ tuỳ theo quy mô hoạt động và có trách nhiệm bảo tồn các loại vốn trên cơ sở đảm bảo cho vay có hiệu quả và không làm mất vốn.

1.1. Vốn Nhà nước giao cho Ngân hàng phục vụ người nghèo quản lý,

sử dụng và bảo tồn:

a. Vốn Ngân sách Nhà nước: Bao gồm vốn điều lệ được cấp; vốn chuyển từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng ngoại thương, Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam theo quết định của Chính phủ; vốn tín dụng Nhà nước đối với người nghèo từ Ngân sách Nhà nước chuyển sang; vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; Vốn được quyên tặng, viện trợ không hoàn lại;

b. Vốn tự bổ sung theo quy định: Gồm các loại vốn do Ngân hàng tự tích luỹ bổ sung từ lợi nhuận hoặc có nguồn gốc từ lợi nhuận để lại theo chế độ quy định (như quỹ dự phòng bù đắp rủi ro, quỹ phát triển kỹ thuật nghiệp vụ, khấu hao cơ bản thuộc nguồn vốn tự bổ sung để lại...)

1.2. Vốn huy động và vốn vay:

Ngoài nguồn vốn Nhà nước đầu tư và các nguồn vốn vay khác, Ngân hàng phục vụ người nghèo được quyền huy động vốn trong nước và ngoài nước của mọi tổ chức và các tầng lớp dân cư để cho người nghèo vay dưới các hình thức như đã quy định trong Điều 7 của Điều lệ Ngân hàng phục vụ người nghèo.

1.3. Trách nhiệm bảo tồn và phát triển vốn của Ngân hàng phục vụ người nghèo:

Toàn bộ số vốn được Ngân sách Nhà nước cấp phát và vốn huy động Ngân hàng phục vụ người nghèo phải sử dụng vào việc cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và đảm bảo không làm mất vốn.

a. Đối với vốn Ngân sách Nhà nước cấp:

Toàn bộ vốn Ngân sách Nhà nước cấp, vốn chuyển sang từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam, vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đều phải tính chung vào vốn Nhà nước giao, Ngân hàng phục vụ người nghèo phải có trách nhiệm bảo tồn theo giá trị hạch toán ban đầu.

b. Đối với vốn huy động:

Ngân hàng phục vụ người nghèo phải thực hiện nghĩa vụ của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc huy động vốn, đảm bảo sử dụng có hiệu quả vốn huy động, thực hiện việc hoàn giả vốn và lãi đúng thời hạn đã cam kết trong hợp đồng.

c. Đối với vốn tự bổ sung:

Ngân hàng phục vụ người nghèo có trách nhiệm tự bảo toàn vốn theo giá trị hạch toán ban đầu. Ngân hàng phục vụ người nghèo được tự chủ trong việc sử dụng vốn tự bổ sung vào các mục đích theo chức năng của mình nhưng không được sử dụng vào việc xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi, các phương tiện, đồ dùng sinh hoạt phục vụ đời sống.

d. Hàng năm, Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng phục vụ người nghèo xác định lại số vốn của Ngân hàng phải bảo tồn đến thời điểm 31-12. Số liệu này được dùng làm căn cứ duyệt quyết toán số vốn bảo tồn và làm cơ sở kiểm tra mức độ bảo tồn vốn trong năm tiếp theo.

Tổng giám đốc Ngân hàng phục vụ người nghèo chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng vốn. Mọi tổn thất thiếu hụt vốn trong từng trường hợp sẽ xử lý theo quy định của Nhà nước.

Ngân hàng phục vụ người nghèo chịu sự quản lý kiểm tra của các cơ quan tài chính trong quá trình thực hiện chức năng huy động, quản lý, cho vay vốn đối với các hộ gia đình nghèo.

1.4. Nguyên tắc sử dụng vốn và tài sản:

- Toàn bộ số vốn và tài sản của Ngân hàng phục vụ người nghèo phải được sử dụng theo đúng Quyết định số 525/TTg ngày 31 tháng 8 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng không được sử dụng vốn vào việc liên doanh liên kết dưới mọi hình thức, đầu tư mua cổ phần, kinh doanh hối đoái, chứng khoán trong nước và ngoài nước.

2. Quản lý tài chính "Thu nhập - chi phí" đối với Ngân hàng phục vụ người nghèo:

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ