Loading


Thông tư 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 46/2018/TT-NHNN
Ngày ban hành 28/12/2018
Ngày có hiệu lực 01/03/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Đoàn Thái Sơn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2018/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THỜI HẠN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN TIẾP ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP CỔ ĐÔNG LỚN CỦA MỘT TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN CỦA CỔ ĐÔNG ĐÓ SỞ HỮU CỔ PHẦN TỪ 5% TRỞ LÊN VỐN ĐIỀU LỆ CỦA MỘT TỔ CHỨC TÍN DỤNG KHÁC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 06 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 06 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác (sau đây gọi tắt là sở hữu cổ phần vượt giới hạn) phát sinh trước ngày Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành.

2. Thông tư này không áp dụng đối với trường hợp sở hữu cổ phần của nhà nước tại tổ chức tín dụng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức tín dụng đầu mối là:

a) Tổ chức tín dụng có cổ đông lớn mà cổ đông đó và người có liên quan sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác; hoặc

b) Tổ chức tín dụng có cổ đông lớn được các tổ chức tín dụng thỏa thuận, lựa chọn làm tổ chức tín dụng đầu mối lập Kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn trong trường hợp các tổ chức tín dụng có cùng cổ đông lớn; hoặc

c) Tổ chức tín dụng có cổ đông lớn có tỷ lệ sở hữu cổ phần cao nhất trong trường hợp các tổ chức tín dụng có cùng cổ đông lớn không thỏa thuận được tổ chức tín dụng đầu mối lập Kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn theo quy định tại điểm b khoản này.

2. Tổ chức tín dụng khác là:

a) Tổ chức tín dụng có cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ mà cổ đông đó là cổ đông lớn của tổ chức tín dụng đầu mối; hoặc

b) Tổ chức tín dụng có cổ đông lớn không phải tổ chức tín dụng đầu mối theo quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này.

Điều 3. Thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp

1. Tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác (sau đây gọi tắt là nhóm cổ đông lớn có liên quan).

2. Tổ chức tín dụng đầu mối phối hợp với tổ chức tín dụng khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập Kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn (sau đây gọi tắt là Kế hoạch khắc phục), triển khai thực hiện Kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2020 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung). Kế hoạch khắc phục tối thiểu phải có các nội dung sau đây:

a) Danh sách nhóm cổ đông lớn có liên quan, bao gồm các thông tin:

(i) Đối với cổ đông lớn là cá nhân: Họ và tên; số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu hoặc số giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ thường trú; thông tin về số cổ phần và tỷ lệ cổ phần trên vốn điều lệ đang sở hữu tại tổ chức tín dụng đầu mối, tổ chức tín dụng khác (bao gồm cả số lượng, tỷ lệ cổ phần trên vốn điều lệ ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác; thông tin của tổ chức, cá nhân nhận ủy thác và mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân nhận ủy thác và cổ đông đó (nếu có));

(ii) Đối với cổ đông lớn là tổ chức: Tên tổ chức; số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, ngày cấp, nơi cấp, mã số thuế; địa chỉ trụ sở chính; thông tin về số cổ phần và tỷ lệ cổ phần trên vốn điều lệ đang sở hữu tại tổ chức tín dụng đầu mối, tổ chức tín dụng khác (bao gồm cả số lượng, tỷ lệ cổ phần trên vốn điều lệ ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác; thông tin của tổ chức, cá nhân nhận ủy thác và mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân nhận ủy thác và cổ đông đó (nếu có));

(iii) Đối với người có liên quan của cổ đông lớn: Mối quan hệ liên quan với cổ đông lớn và các thông tin theo quy định tại điểm a(i) khoản này đối với cá nhân, điểm a(ii) khoản này đối với tổ chức;

b) Biện pháp và lộ trình khắc phục.

3. Tổ chức tín dụng đầu mối gửi Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), tổ chức tín dụng khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan Kế hoạch khắc phục trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

[...]
2