Loading


Thông tư 55/2009/TT-BCA quy định việc thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 55/2009/TT-BCA
Ngày ban hành 02/10/2009
Ngày có hiệu lực 16/11/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2009/TT-BCA

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC CỦA CẢNH SÁT MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08-9-1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14-11-2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,

Bộ Công an quy định việc thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường của Cảnh sát môi trường và được áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động của Cảnh sát môi trường.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường

Thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia công tác bảo vệ môi trường; góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát môi trường trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, chống các biểu hiện cửa quyền, tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường

1. Thực hiện dân chủ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải trong khuôn khổ Hiến pháp pháp luật và các quy định của Bộ Công an.

2. Nghiêm cấm lợi dụng dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; cản trở hoạt động của Cảnh sát môi trường.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Những việc Cảnh sát môi trường phải thông báo công khai

1. Trụ sở, nơi làm việc của Cảnh sát môi trường; số điện thoại trực ban đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư, tin báo của các tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

2. Chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc nhiệm vụ của Cảnh sát môi trường có liên quan đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường phải thông báo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đối tượng làm việc biết để họ chấp hành (trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác).

4. Các đơn vị của Cảnh sát môi trường phải có hòm thư góp ý công khai, đặt ở nơi thuận tiện để tiếp nhận đơn, thư góp ý kiến xây dựng đơn vị hoặc khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

5. Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và hậu quả (nếu có) mà Cảnh sát môi trường thu thập được trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 5. Trách nhiệm của Cảnh sát môi trường

1. Cảnh sát môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ của mình; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân giải trình những vấn đề liên quan khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin, tài liệu làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

2. Cảnh sát môi trường có trách nhiệm sử dụng các lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an để đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, khắc phục.

3. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường khi thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật, của Bộ Công an và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị về công việc mình đã tiến hành.

4. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường khi làm việc với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phải có kế hoạch công tác, chuẩn bị kỹ nội dung làm việc; dự kiến các tình huống đột xuất và phương án giải quyết các tình huống đó. Nội dung, kế hoạch công tác phải được sự phê duyệt của lãnh đạo đơn vị.

5. Khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng lễ tiết tác phong, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân. Phải giữ bí mật nghiệp vụ; sau khi kết thúc buổi tiếp xúc, làm việc phải báo cáo kết quả với lãnh đạo có thẩm quyền để quyết định.

[...]
4