Loading


Thông tư 57/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 57/2019/TT-BTC
Ngày ban hành 26/08/2019
Ngày có hiệu lực 15/10/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Quang Hải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/2019/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2019

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ XỬ LÝ RỦI RO CỦA QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 06 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 06 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây viết tắt là Quỹ bảo lãnh tín dụng) đối với các khoản nợ của bên được bảo lãnh tại Quỹ bảo lãnh tín dụng sau khi được Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (sau đây viết tắt là Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quỹ bảo lãnh tín dụng.

2. Bên được bảo lãnh đã được Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ và pháp luật liên quan (sau đây gọi tắt là khách hàng).

3. Tổ chức cho vay theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, ngoài các thuật ngữ đã được quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hợp đồng nhận nợ bắt buộc là hợp đồng được ký giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng và khách hàng sau khi Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Nợ gốc là khoản nợ của khách hàng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng, bao gồm nợ gốc, nợ lãi hoặc cả nợ gốc và nợ lãi tại tổ chức cho vay mà Quỹ bảo lãnh tín dụng đã trả nợ thay theo quy định tại Hợp đồng bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Nợ lãi là khoản tiền lãi khách hàng chưa thanh toán cho Quỹ bảo lãnh tín dụng, được tính trên nợ gốc và mức lãi suất quy định tại Hợp đồng nhận nợ bắt buộc.

4. Bên bảo đảm là bên thứ ba có tài sản được dùng để bảo đảm cho khoản nợ gốc của khách hàng.

5. Hợp đồng bảo đảm khoản nhận nợ bắt buộc là hợp đồng được lập giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng và bên bảo đảm cùng thời điểm Hợp đồng nhận nợ bắt buộc được lập giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng và khách hàng.

6. Rủi ro tín dụng là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi).

7. Xử lý rủi ro là việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với các khoản nợ của khách hàng bị rủi ro dẫn đến Quỹ bảo lãnh tín dụng không thể thu hồi đầy đủ, đúng hạn nợ (gốc, lãi).

[...]
94