Loading


Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN hướng dẫn Quyết định 254/2006/QĐ-TTg về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới do Bộ Công thương - Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Y tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN
Ngày ban hành 31/01/2008
Ngày có hiệu lực 03/03/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công thương,Bộ Giao thông vận tải,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính,Bộ Y tế,Ngân hàng Nhà nước
Người ký Bùi Bá Bổng,Nguyễn Cẩm Tú,Nguyễn Đồng Tiến,Trần Doãn Thọ,Trịnh Quân Huấn,Trương Chí Trung
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ CÔNG THƯƠNG - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ Y TẾ - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 254/2006/QĐ-TTG NGÀY 07 THÁNG 11 NĂM 2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI VỚI CÁC NƯỚC CÓ CHUNG BIÊN GIỚI

Căn cứ Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;
Liên tịch Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi Điều chỉnh

1.1. Những từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

a) “Phương thức không theo thông lệ quốc tế” là bên mua và bên bán không thỏa thuận một quy định nào về áp dụng các thông lệ quốc tế trong hợp đồng. Thông lệ quốc tế trong thương mại quốc tế được hiểu là tập quán, cách làm lặp đi, lặp lại nhiều lần trong buôn bán quốc tế và được các tổ chức quốc tế liên quan thừa nhận, như Quy tắc chung INCOTERMS (International Rules for the Interpretation of Trade Terms).

b) “Hàng hóa do cư dân nước có chung biên giới sản xuất” là hàng hóa có xuất xứ của nước có chung biên giới đất liền với Việt Nam sản xuất ra.

c) “Khu vực tiếp giáp biên giới với các nước có chung biên giới” là khu vực biên giới gồm: các xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền.

d) “Vùng biên giới” gồm các tỉnh có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền.

đ) “Các Điểm thông quan khác thuộc khu kinh tế cửa khẩu do Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập” là Điểm biên giới được ghi trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép thông quan hàng hoá.

1.2. Hoạt động thương mại biên giới quy định tại Thông tư này gồm:

a) Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới là những hoạt động dành riêng cho cư dân biên giới phù hợp với các quy định tại Điều 2, khoản 2 Điều 5 và Điều 6 của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

b) Buôn bán tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

c) Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới được các chủ thể quy định tại khoản 1, Mục II và khoản 1, Mục III của Thông tư này tiến hành theo các phương thức không theo thông lệ quốc tế.

2. Hàng hoá thương mại biên giới

Hàng hóa mua bán, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu theo hình thức thương mại biên giới được thực hiện theo những quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

3. Chất lượng hàng hoá thương mại biên giới

a) Về kiểm dịch y tế biên giới:

- Tất cả hàng hoá buôn bán, vận chuyển qua biên giới đều phải khai báo với Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới (Việc kiểm tra thực tế và xử lý kiểm dịch y tế này chỉ thực hiện đối với hàng hoá mang véc tơ, mầm bệnh truyền nhiễm và yếu tố nguy cơ đến sức khoẻ cộng đồng do Bộ Y tế thông báo và chỉ định).

- Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới trên địa bàn cả nước theo các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch y tế. Hệ thống tổ chức cơ quan kiểm dịch y tế biên giới Việt Nam thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Thủ tục về trình tự kiểm tra thực tế và xử lý kiểm dịch y tế thực hiện theo quy trình kiểm dịch y tế biên giới nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành.

- Khi có dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra ở khu vực biên giới của nước có chung biên giới theo thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh chỉ đạo cơ quan kiểm dịch y tế triển khai các hoạt động kiểm dịch y tế tại khu vực qua lại để kiểm tra, giám sát, thực hiện biện pháp xử lý y tế kịp thời đối với hàng hoá đảm bảo không để dịch bệnh lây lan.

b) Kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thuỷ sản:

- Chỉ những hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thuỷ sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố mới phải làm thủ tục kiểm dịch.

- Danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm dịch động vật, thực vật xuất khẩu, nhập khẩu được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố trong từng thời kỳ.

c) Về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm:

Hàng hoá là thực phẩm xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới phải được thực hiện theo Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ