Loading


Thông tư liên tịch 03/2006/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn Nghị định 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước do Bộ Tài chính - Bội Nội vụ cùng ban hành

Số hiệu 03/2006/TTLT-BTC-BNV
Ngày ban hành 17/01/2006
Ngày có hiệu lực 16/02/2006
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính
Người ký Đặng Quốc Tiến,Huỳnh Thị Nhân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH- BỘ NỘI VỤ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 03/2006/TTLT-BTC-BNV

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2006

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 130/2005/NĐ-CP NGÀY 17/10/2005 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỬ DỤNG BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 13 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định c hế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;
Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính (sau đây gọi là chế độ tự chủ) đối với các cơ quan nhà nước trực tiếp sử dụng kinh phí quản lý hành chính do ngân sách nhà nước cấp có tài khoản và con dấu riêng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao biên chế và kinh phí quản lý hành chính (sau đây gọi là cơ quan thực hiện chế độ tự chủ), thuộc các cơ quan:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước;

c) Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp;

d) Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

2. Việc thực hiện chế độ tự chủ đối với Ủy ban nhân dân xã, phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào chế độ tự chủ quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ, hướng dẫn tại Thông tư này và điều kiện thực tế tại địa phương để quyết định hoặc phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

3. Các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản  Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được cơ quan có thẩm quyền giao biên chế và kinh phí quản lý hành chính căn cứ vào chế độ tự chủ quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này để xem xét tự quyết định việc thực hiện chế độ tự chủ.

4. Đối với các cơ quan đang thực hiện mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm ngân sách 2006 chuyển sang thực hiện chế độ tự chủ theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.

5. Các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài được ngân sách nhà nước cấp kinh phí quản lý hành chính không thuộc đối tượng thực hiện Thông tư này.

6. Nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm:

Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

b) Không tăng biên chế, trừ trường hợp quy định tại tiết c, điểm 1 mục II Thông tư này;

c) Không tăng kinh phí quản lý hành chính được giao, trừ trường hợp quy định tại tiết c, điểm 2, mục II Thông tư này;

d) Thực hiện công khai, dân chủ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Quy định tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế:

a) Biên chế của cơ quan thực hiện chế độ tự chủ:

Biên chế của cơ quan thực hiện chế độ tự chủ là biên chế hành chính và biên chế dự bị (nếu có) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; không bao gồm biên chế của các đơn vị sự nghiệp (là đơn vị dự toán, có tài khoản và con dấu riêng) trực thuộc.

b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao chỉ tiêu biên chế đối với đơn vị thực hiện chế độ tự chủ:

Căn cứ tổng biên chế hành chính đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế hành chính đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh). Biên chế thuộc ngành Kiểm sát, Tòa án, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giao chỉ tiêu biên chế hành chính đối với các Vụ, Cục (nếu có), Tổng cục (nếu có), Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ và tổ chức hành chính khác thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chỉ tiêu biên chế hành chính đối với Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn cùng cấp và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).

Ủy ban nhân dân cấp huyện giao chỉ tiêu biên chế đối với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp.

c) Điều chỉnh chỉ tiêu biên chếi hành chính đã giao:

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ