Loading


Thông tư liên tịch 21/2005/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc do Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 21/2005/TTLT-BYT-BTC
Ngày ban hành 27/07/2005
Ngày có hiệu lực 21/08/2005
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên,Huỳnh Thị Nhân
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21/2005/TTLT-BYT-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2005 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ BẮT BUỘC

Căn cứ Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 05 năm 2005 của Chính phủ;
Liên Bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc như sau:

Phần 1:

ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG, TRÁCH NHIỆM VÀ PHƯƠNG THỨC ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ

I . ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG, TRÁCH NHIỆM VÀ PHƯƠNG THỨC ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ

Đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng phí bảo hiểm y tế được áp dụng cụ thể như sau:

1. Người lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là người lao động) làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức sau:

a) Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, bao gồm: doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động công ích, doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang;

b) Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân;

c) Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài;

d) Doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp;

đ) Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

e) Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

g) Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác (kể cả các tổ chức, đơn vị được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan Đảng, Đoàn thể, Hội quần chúng tự trang trải về tài chính);

h) Trạm y tế xã, phường, thị trấn;

i) Các trường giáo dục mầm non công lập;

k) Cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế, Hiệp định đa phương, song phương mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác;

l) Cơ sở bán công, dân lập, tư nhân thuộc các ngành văn hoá, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, thể dục thể thao và các ngành sự nghiệp khác;

m) Các tổ chức khác có sử dụng lao động được thành lập và hoạt động hợp pháp;

Người lao động quy định tại khoản 1 trên đây nếu làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng, khi hết hạn hợp đồng lao động mà vẫn tiếp tục làm việc hoặc giao kết hợp đồng lao động mới với người sử dụng lao động thì phải tham gia BHYT bắt buộc.

Các đối tượng quy định tại khoản 1 trên đây mức đóng BHYT hàng tháng bằng 3% tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, tiền công hàng tháng ghi trong hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên nghề, thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có), trong đó, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động) đóng 2%; người lao động đóng 1%.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm trích tiền đóng BHYT thuộc trách nhiệm của mình và thu tiền đóng BHYT của người lao động theo tỷ lệ quy định để nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) theo định kỳ hàng tháng.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp đóng toàn bộ phí BHYT cho người lao động. Trong trường hợp này, phí BHYT cho người lao động doanh nghiệp được hạch toán 2% vào chi phí sản xuất và 1% từ quỹ của doanh nghiệp.

2. Cán bộ, công chức, viên chức theo Pháp lệnh cán bộ, công chức: Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 3% tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên nghề, thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có), trong đó, cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm đóng 2%; cán bộ, công chức, viên chức đóng 1%.

Cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm trích tiền đóng BHYT và thu tiền đóng BHYT của cán bộ, công chức, viên chức theo tỷ lệ quy định để nộp cho cơ quan BHXH theo định kỳ hàng tháng.

Tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp để đóng BHYT cho đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 trên đây thống nhất với tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp để đóng BHXH.

3. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng: Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 3% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Cơ quan BHXH lập danh sách và đóng cả 3%.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ