Loading


Thông tư liên tịch 80/2013/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng do Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 80/2013/TTLT-BTC-BNN
Ngày ban hành 14/06/2013
Ngày có hiệu lực 20/07/2013
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Hà Công Tuấn,Nguyễn Thị Minh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH – BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/2013/TTLT-BTC-BNN

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/ NĐ-CP ngày 3 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Thực hiện Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020.

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đối với rừng phòng hộ, rừng giống, vườn giống thuộc sở hữu nhà nước; thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; kinh phí hoạt động của các Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011–2020 quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

2. Kinh phí khoán bảo vệ rừng rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020 và các văn bản hướng dẫn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên

1. Diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên

a) Diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên bao gồm: rừng phòng hộ (gồm: rừng tự nhiên và rừng trồng đã hết thời kỳ xây dựng cơ bản nhưng vẫn cần bảo vệ); rừng giống, vườn giống thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt.

b) Xác định diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên: căn cứ nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên quy định tại Quyết định số 57/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ; Thông tư số 51/2012/TT-BNNPTNT ngày 19/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích, chi tiết theo từng loại rừng gắn với địa bàn cụ thể; để giao chỉ tiêu khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên cho các đối tượng thực hiện.

Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích khoán bảo vệ rừng, diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên theo hướng dẫn hàng năm về lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện.

Riêng đối với diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên do ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định và thông báo diện tích đối với từng loại rừng theo quy định tại Thông tư số 51/2012/TT-BNN ngày 19/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chi tiết theo từng địa phương, gửi Bộ Tài chính.

2. Thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên

a) Khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thực hiện thông qua hợp đồng khoán. Thời hạn hợp đồng là hàng năm, hoặc theo kế hoạch trung hạn 3 năm, hoặc 5 năm.

Đối với hợp đồng khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đã ký theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 còn hiệu lực nếu không trái với quy định của Thông tư này thì tiếp tục thực hiện khoán theo hợp đồng đã ký.

b) Bên giao khoán là các chủ rừng nhà nước, bao gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị sự nghiệp quản lý rừng, đơn vị lực lượng vũ trang và doanh nghiệp Nhà nước.

c) Bên nhận khoán là các hộ gia đình, cá nhân, hoặc cộng đồng dân cư thôn hay nhóm hộ dân cư trú hợp pháp trên địa bàn, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn ở khu vực biên giới không có dân cư sinh sống.

Trong đó ưu tiên khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo sinh sống chủ yếu bằng nghề rừng tại các địa phương.

Trường hợp đối với những khu rừng không có đối tượng nhận khoán, chủ rừng phải tổ chức bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ