Thị trường bất động sản 2024: Cơ hội mới giữa những thách thức
Nội dung chính
Thị trường bất động sản 2024: Cơ hội mới giữa những thách thức
Từ thời điểm cuối năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam đã lâm vào cảnh đình trệ. Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2023, chủ yếu do các vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý của dự án và trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động vốn từ khách hàng.
Doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án; số lượng dự án phát triển nhà ở được chấp thuận mới và hoàn thành giảm mạnh so với các năm trước đây, dẫn đến nguồn cung hạn chế. Trong khi đó, giá nhà lại có xu hướng tăng cao, vượt quá khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu mua để sử dụng.
Thực tế trên cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đã, đang và sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khó khăn về thanh khoản, dòng tiền trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều số liệu thống kê đã chỉ rõ năm 2023 là năm tiếp theo ghi dấu nhiều “cuộc chia ly” trong lĩnh vực bất động sản khi có tới hàng trăm ngàn môi giới bất động sản đã phải bỏ nghề, mất việc, chỉ còn khoảng 20% bám trụ lại được (thông tin từ Hội Môi giới bất động sản). Cụ thể: có 1.286 doanh nghiệp bất động sản đã phải giải thể, tăng 7,7% so với năm 2022 (năm 2022 tăng tới 38,7% so với năm 2021) và 3.705 doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 47,4%.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới là 4.725 doanh nghiệp, giảm 45,01% so với năm 2022 (theo Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ngay trong tháng đầu của năm 2024, cũng có thêm 2.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động, bằng 138% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể là 149 doanh nghiệp, bằng 97,4% so với cùng kỳ (số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê)…
Mặc dù gam màu xám vẫn đang chiếm lĩnh bức tranh về thị trường bất động sản, nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng đang có hàng loạt yếu tố tác động tích cực đến thị trường này đó chính là những cơ hội mới giữa những thách thức.
Trong đó phải kể đến khoảng 20 cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản đã được ban hành trong năm 2023 sẽ có độ ngấm và phát huy tác động tích cực tới thị trường trong năm 2024. Động thái hạ lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục của các ngân hàng trong năm 2023 sẽ khiến cho một lượng tiền không nhỏ đang trú ẩn trong ngân hàng tìm về các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản.
Thị trường bất động sản 2024: Cơ hội mới giữa những thách thức (Hình ảnh từ internet)
Năm 2024: Nhà giá rẻ sẽ là "con át chủ bài" thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi
Ngay từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp. Động thái này là minh chứng cho nỗ lực quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh bền vững.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), để tháo gỡ bất ổn liên quan đến bất hợp lý trong cơ cấu nhà ở do lệch pha cung cầu, các địa phương cần xây dựng chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp, có sự cân đối cung cầu các phân khúc.
VNREA cho rằng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về cách thức huy động các nguồn lực khác từ xã hội và có giải pháp hữu hiệu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, tăng cường hỗ trợ, ưu đãi nhất định về đất đai, thuế và các chính sách ưu đãi khác về đầu tư nhà ở xã hội. Bố trí đầy đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị.
Theo các chuyên gia trong ngành, nhà giá rẻ, vừa túi tiền sẽ là phân khúc bất động sản bước vào nhịp phục hồi đầu tiên trong năm 2024. Việc Bộ xây dựng chủ trương đẩy mạnh phát triển loại hình bất động sản vừa túi tiền cũng xuất phát từ nhu cầu này. Trong bối cảnh thanh khoản ảm đạm, thiếu hụt nhà ở vừa túi tiền bắt buộc các chủ đầu tư phải thay đổi luật chơi. Trong đó, doanh nghiệp chủ động thực hiện một số giải pháp như cơ cấu sản phẩm, điều tiết lợi nhuận.
Cần có lưu ý gì cho thị trường Bất động sản vào năm 2024?
Trong năm 2024, thị trường bất động sản được dự kiến sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đòi hỏi các nhà đầu tư và người mua phải có những lưu ý đặc biệt để đảm bảo quyết định đầu tư hiệu quả. Một trong những điểm quan trọng nhất là tình hình kinh tế toàn cầu và địa phương. Nếu nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, thị trường bất động sản có thể trở nên sôi động hơn, với nhiều giao dịch mua bán và tăng giá nhà đất. Ngược lại, nếu có bất ổn kinh tế, thị trường có thể trải qua những biến động không lường trước được.
Ngoài ra, các chính sách pháp luật mới, nhất là việc Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ có tác động đáng kể đến thị trường bất động sản. Các biện pháp hỗ trợ nhà ở, thuế và quản lý quy hoạch đô thị có thể tạo ra cơ hội mới hoặc tạo ra những thách thức đối với người tham gia thị trường. Nên việc theo dõi chặt chẽ các thông báo và chính sách pháp luật mới là rất quan trọng để đưa ra những quyết định.
Thường xuyên khám phá các xu hướng thị trường cũng là một phần quan trọng của việc nắm bắt cơ hội, sự phát triển của các khu vực mới, dự án đô thị hóa, hay các xu hướng lối sống đang thay đổi có thể tạo ra những khu vực mới phát triển mạnh mẽ. Nắm bắt được những dấu hiệu này sớm có thể giúp nhà đầu tư và người mua nhà tận dụng được những cơ hội đầu tư có lợi.
Bên cạnh đó, tình hình lãi suất và thị trường tài chính cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu lãi suất thấp, việc vay vốn trở nên dễ dàng hơn, khuyến khích người mua và nhà đầu tư tham gia thị trường. Ngược lại, tăng lãi suất có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường bất động sản.
Chính vì vậy để thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững trong năm 2024 thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy hoạch, tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch.