Loading

18:35 - 26/09/2024

Các khoản phụ cấp mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động là gì?

Các khoản phụ cấp mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động là gì? Thời gian tham gia BHXH của người lao động có được bảo lưu để hưởng lương hưu? Quyết định tăng lương thay cho phụ lục hợp đồng được không?

Nội dung chính

    Các khoản phụ cấp mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động là gì?

    Cho mình hỏi hiện nay các doanh nghiệp phải trả các khoản phụ cấp gì cho người lao động hả bạn?

    Trả lời:

    Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:

    Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

    Vấn đề về phụ cấp, pháp luật lao động không quy định các doanh nghiệp/người sử dụng lao động phải chi trả các loại phụ cấp gì cho người lao động và đây cũng không phải là chế độ bắt buộc doanh nghiệp/người sử dụng lao động phải chi trả.

    Chế độ này nếu có sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của doanh nghiệp/người sử dụng lao động.

    Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động có được bảo lưu để hưởng lương hưu?

    Nếu người lao động thời giam tham gia bảo hiểm xã hội đã được 30 năm mà tuổi chưa đủ hưu thì giờ mình chốt và bảo lưu sổ để sang năm họ đủ tuổi, hưởng lương hưu được không? Và trong quá trình đã chốt sổ thì người lao động mua bảo hiểm y tế theo diện nào?

    Trả lời:

    Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

    1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

    ...

    Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

    1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

    2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

    Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

    Như vậy, đối với trường hợp người lao động đã đóng BHXH được 30 năm nhưng chưa đủ tuổi nhận lương hưu, khi nghỉ việc thì công ty sẽ chốt sổ BHXH cho họ. Nếu họ nghỉ hưu vào năm sau thì phải đảm bảo đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ (điều kiện lao động bình thường). Về thẻ BHYT trong 1 năm bảo lưu chờ đủ tuổi nghỉ hưu thì NLĐ có thể mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình.

    Quyết định tăng lương thay cho phụ lục hợp đồng được không?

    Đầu mỗi năm, công ty thực hiện chế độ tăng lương cho người lao động. Cho hỏi, công ty có thể sử dụng quyết định tăng lương để thay cho việc ký phụ lục hợp đồng lao động với người lao động theo mức lương mới hay không?

    Trả lời:

    Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có quy định mức lương là một trong những nội dung phải có trong hợp đồng lao động.

    Mặt khác, theo Điều 33 Bộ luật Lao động 2019, việc sửa đổi nội dung hợp đồng lao động (thay đổi mức lương) được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

    Do đó, sau khi tăng lương cho người lao động thì công ty phải ký phụ lục hợp đồng hay ký lại hợp đồng lao động mới với người lao động. Dù quyết định nâng lương có lợi cho người lao động nhưng chưa chắc được người lao động chấp nhận. Vì vậy, quyết định nâng lương không thể thay thế cho Phụ lục hợp đồng lao động.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    489