Cố tình lây bệnh lậu cho người yêu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Nội dung chính
Bệnh lậu là gì?
Theo quy định tại Mục 1 Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Lậu ban hành kèm theo Quyết định 5165/QĐ-BYT năm 2021 định nghĩa bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp, do song cầu khuẩn Gram âm Neisseria gonorrhoeae gây ra.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục đường âm đạo, đường miệng và đường hậu môn. Ở nam giới, nhiễm lậu cầu thường gây ra viêm niệu đạo, nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo và vô sinh. Ở nữ giới, nhiễm lậu cầu nếu không điều trị có thể dẫn đến viêm tiểu khung, tắc vòi trứng, chửa ngoài tử cung và vô sinh. Trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh lậu có thể bị lây nhiễm trong quá trình chuyển dạ, dẫn đến viêm kết mạc mắt.
Nguyên nhân gây bệnh lậu:
Quan hệ tình dục không an toàn: Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae lây lan qua các hoạt động tình dục bằng đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người nhiễm bệnh.
Tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh: Vi khuẩn có trong dịch tiết từ dương vật hoặc âm đạo của người nhiễm bệnh.
Mẹ truyền sang con: Phụ nữ mang thai bị nhiễm lậu có thể truyền bệnh cho con trong quá trình sinh, gây nhiễm trùng mắt hoặc các biến chứng nguy hiểm khác cho trẻ sơ sinh.
Phòng ngừa bệnh lậu:
Sử dụng bao cao su: Đảm bảo an toàn trong tất cả các hình thức quan hệ tình dục.
Quan hệ : Hạn chế số lượng bạn tình và duy trì quan hệ với một người không bị nhiễm bệnh.
Khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao, hãy kiểm tra thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời.
Điều trị sớm: Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc bạn tình mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Cố tình lây bệnh lậu cho người yêu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Hình từ Internet)
Bệnh lậu có phải là bệnh HIV không?
Bệnh lậu và HIV là hai bệnh hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân, cơ chế lây nhiễm và tác động đến cơ thể khác nhau.
Bảng so sánh chi tiết giữa bệnh lậu và bệnh HIV:
Tiêu chí | Bệnh lậu | Bệnh HIV (Virus gây hội chứng AIDS) |
Tác nhân gây bệnh | Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae. | Virus HIV (Human Immunodeficiency Virus), thuộc nhóm retrovirus. |
Cơ chế lây nhiễm | Vi khuẩn xâm nhập qua niêm mạc vùng sinh dục, hậu môn, miệng và gây viêm, mủ tại vùng nhiễm trùng. | Virus tấn công và phá hủy tế bào miễn dịch CD4, làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể. |
Đường lây truyền | - Quan hệ tình dục không an toàn (âm đạo, hậu môn, miệng). - Từ mẹ sang con khi sinh. - Tiếp xúc dịch mủ từ vùng nhiễm. | - Quan hệ tình dục không an toàn (âm đạo, hậu môn, miệng). - Dùng chung kim tiêm, truyền máu. - Từ mẹ sang con khi mang thai, sinh con, hoặc cho con bú. |
Thời gian ủ bệnh | Ở nam giới trung bình từ 3-5 ngày. Ở nữ giới thường kéo dài hơn, trung bình 5-7 ngày. Thời gian này người bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây lan cho người khác (theo tiểu mục 2.1 Mục 2 Hướng dẫn kèm theo Quyết định 5165/QĐ-BYT năm 2021) | 2 - 4 tuần sau phơi nhiễm có thể có triệu chứng giai đoạn cấp tính, hoặc không triệu chứng trong nhiều năm. |
Triệu chứng giai đoạn đầu | - Đau khi tiểu. - Dịch tiết bất thường từ dương vật, âm đạo (màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi). - Sưng đau tinh hoàn, viêm âm đạo. - Đau hoặc ngứa rát ở họng nếu lây qua đường miệng. | - Sốt, ớn lạnh. - Sưng hạch bạch huyết. - Phát ban, mệt mỏi. - Đau cơ, khớp. - Triệu chứng có thể mờ nhạt hoặc không xuất hiện. |
Triệu chứng giai đoạn muộn | - Nhiễm trùng lan rộng: viêm khớp nhiễm trùng, viêm màng não. - Gây vô sinh do viêm nhiễm lâu dài. | - Suy giảm miễn dịch nặng: nhiễm trùng cơ hội (viêm phổi, nấm, lao), ung thư (Kaposi, lymphoma). - Dẫn đến AIDS. |
Khả năng lây nhiễm | Khả năng lây nhiễm cao qua quan hệ tình dục không an toàn; dễ lây nếu không sử dụng biện pháp bảo vệ. | Khả năng lây nhiễm cao qua máu, dịch tiết sinh dục; đặc biệt nguy hiểm khi không có biện pháp phòng ngừa. |
Chẩn đoán | - Xét nghiệm dịch tiết từ vùng nhiễm (âm đạo, niệu đạo). - Phân tích nước tiểu tìm vi khuẩn. | - Xét nghiệm máu tìm kháng thể HIV. - Xét nghiệm PCR xác định tải lượng virus. |
Điều trị | - Điều trị bằng kháng sinh như Ceftriaxone hoặc Azithromycin. - Thường khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm và đúng cách. | - Điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) để kiểm soát tải lượng virus. - Không chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kéo dài tuổi thọ và hạn chế biến chứng. |
Khả năng chữa khỏi | Có thể chữa khỏi hoàn toàn. | Không thể chữa khỏi, chỉ kiểm soát virus. |
Biến chứng nguy hiểm | - Vô sinh ở cả nam và nữ. - Viêm vùng chậu, viêm mào tinh hoàn. - Nhiễm trùng máu, viêm khớp. | - AIDS: làm suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng. - Nhiễm trùng cơ hội và ung thư. |
Ảnh hưởng lâu dài | - Tác động trực tiếp đến sức khỏe sinh sản. - Ảnh hưởng tâm lý do nhiễm trùng kéo dài. | - Làm suy yếu toàn bộ hệ thống miễn dịch. - Gây tốn kém chi phí điều trị lâu dài. |
Phòng ngừa | - Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. - Quan hệ chung thủy, hạn chế số lượng bạn tình. - Khám sức khỏe định kỳ. | - Sử dụng bao cao su đúng cách. - Tránh dùng chung kim tiêm. - Sử dụng PrEP hoặc PEP khi có nguy cơ phơi nhiễm. |
Tương quan với HIV | - Tăng nguy cơ lây nhiễm HIV do vi khuẩn gây tổn thương niêm mạc sinh dục, tạo điều kiện cho virus HIV xâm nhập. | HIV không trực tiếp liên quan đến bệnh lậu nhưng có thể đồng nhiễm khi không sử dụng biện pháp bảo vệ. |
Cố tình lây bệnh lậu cho người yêu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 trách nhiệm hình sự đối với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác được quy định như sau:
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về phân loại bệnh truyền nhiễm thì bệnh lậu là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C. Nhóm này gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, có khả năng lây truyền không nhanh.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được xác định khi người thực hiện hành vi có ý thức làm lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Tuy nhiên, đối với bệnh lậu, đây là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C, có tính chất ít nguy hiểm và khả năng lây lan chậm. Ngoài ra, bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được theo quy định tại Mục 3 Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lậu ban hành kèm theo Quyết định 5165/QĐ-BYT năm 2021 của Bộ Y tế.
Do đó, trong trường hợp cố ý lây truyền bệnh lậu, nếu hành vi không gây hậu quả nghiêm trọng, như ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng hoặc an toàn cộng đồng, thì không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.