Loading

11:56 - 01/11/2024

Danh sách 04 cơ quan ngang bộ của Chính phủ gồm những cơ quan nào? Ai có quyền quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ?

Danh sách 04 cơ quan ngang bộ của Chính phủ gồm những cơ quan nào? Ai có quyền quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ? Thanh tra Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ nào?

Nội dung chính

    Ai có quyền quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ?

    Theo quy định pháp luật hiện hành thì cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

    Theo đó, theo quy định tại Nghị quyết 03/2011/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 02/8/2011 thì Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm có 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Trong đó, có 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ.

    Theo đó, theo quy định tại Nghị quyết này thì 04 cơ quan ngang bộ của Chính phủ bao gồm:

    Ủy ban Dân tộc;

    Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 13/2017/NĐ-CP thì Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.

    Ủy ban Dân tộc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 13/2017/NĐ-CP

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

    Theo quy định tại Điều 1 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

    Thanh tra Chính phủ;

    Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 50/2018/NĐ-CP thì Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

    Thanh tra Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 50/2018/NĐ-CP.

    Văn phòng Chính phủ.

    Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 150/2016/NĐ-CP thì Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

    Văn phòng Chính phủ có chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia; kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

    Văn phòng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 150/2016/NĐ-CP.

    saved-content
    unsaved-content
    69