Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán được tạm ngừng kinh doanh trong thời gian tối đa bao lâu?
Nội dung chính
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Theo Điều 28 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định về quyền của doanh nghiệp kiểm toán như sau:
- Cung cấp các dịch vụ quy định tại Điều 40 Luật này;
- Nhận phí dịch vụ;
- Thành lập chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
- Đặt cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm toán ở nước ngoài;
- Tham gia tổ chức kiểm toán quốc tế, tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán;
- Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán có liên quan đến nội dung kiểm toán; kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;
- Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán được quy định tại Điều 17 Thông tư 203/2012/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Thông tư 39/2020/TT-BTC) như sau:
- Duy trì và đảm bảo các điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong suốt thời gian hoạt động.
- Không sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
- Không cho thuê, cho mượn, cầm cố, mua bán, chuyển nhượng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
- Báo cáo Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bị mất, bị hư hỏng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
- Thông báo bằng văn bản (kèm theo tài liệu chứng minh) cho Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi về những nội dung quy định tại Điều 26 Luật kiểm toán độc lập.
- Chịu sự kiểm tra, thanh tra và chấp hành quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và việc sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
- Gửi Báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
- Gửi Báo cáo tình hình hoạt động năm.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán được tạm ngừng kinh doanh trong thời gian tối đa bao lâu?
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán được tạm ngừng kinh doanh trong thời gian tối đa là bao lâu?
Theo Điều 33 Luật Kiểm toán độc lập 2011 và Điều 14 Thông tư 203/2012/TT-BTC quy định về việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán như sau:
- Doanh nghiệp kiểm toán được tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán nhưng thời hạn tạm ngừng không quá mười hai tháng liên tục. Doanh nghiệp kiểm toán muốn tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải gửi thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán (theo mẫu quy định tại Phụ lục XI) đến Bộ Tài chính ít nhất 15 ngày trước ngày dự định tạm ngừng kinh doanh.
- Doanh nghiệp kiểm toán tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán mà chưa hoàn thành hợp đồng kiểm toán đã ký với khách hàng thì phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng đó.
- Danh sách doanh nghiệp kiểm toán tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán được công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
- Doanh nghiệp kiểm toán tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì các chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán đó cũng phải tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
- Khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp kiểm toán phải bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật và phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính chậm nhất là 10 ngày trước ngày hoạt động trở lại.
Như vậy, theo quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán được phép tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo đến Bộ Tài chính trong thời hạn quy định.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán tạm ngừng kinh doanh khi hoạt động trở lại không thông báo thì xử lý thế nào?
Theo khoản 3 Điều 14 Thông tư 203/2012/TT-BTC quy định về trách nhiệm thông báo của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán tạm ngừng kinh doanh như sau:
Khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp kiểm toán phải bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật và phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính chậm nhất là 10 ngày trước ngày hoạt động trở lại.
Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán tạm ngừng kinh doanh khi hoạt động trở lại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài chính trong thời hạn quy định. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trở lại mà không thông báo sẽ bị xử lý theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 41/2018/NĐ-CP như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ thông báo, báo cáo của doanh nghiệp kiểm toán
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán thực hiện một trong các hành vi sau:
...
g) Không thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính khi hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng kinh doanh kiểm toán;"
Theo đó, mức phạt tiền này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức theo Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP.
Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải có thông báo gửi đến Bộ Tài chính theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trở lại thì cũng cần phải gửi thông báo đến Bộ Tài chính trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày trước ngày hoạt động trở lại.
Doanh nghiệp hoạt động trở lại không thông báo sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 41/2018/NĐ-CP.