Loading

15:30 - 27/09/2024

Đối tượng nào hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề? Hoạt động xây dựng nào không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề?

Cho tôi hỏi: Đối tượng nào hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề? Hoạt động xây dựng nào không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề?

Nội dung chính

    Hoạt động xây dựng nào không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề?

    Tại khoản 3 Điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP có quy định hoạt động xây dựng không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề bao gồm:

    - Thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

    - Thiết kế, giám sát công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình; giám sát thi công nội thất công trình;

    - Các hoạt động xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm b khoản 7 Điều 79Luật Xây dựng 2014; công viên cây xanh; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.

    Đối tượng nào hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề? Hoạt động xây dựng nào không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề? (Hình từ Internet)

    Đối tượng nào hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề?

    Tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng như sau:

    Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

    1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 53 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.

    Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định này. Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và phòng cháy chữa cháy.

    ...

    Tại khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 53 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về quy định chung về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng như sau:

    Quy định chung về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng

    ...

    3. Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật này bao gồm giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II và hạng III.

    ...

    Như vậy, đối tượng hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề bao gồm:

    - Giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng

    - Chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng

    - Chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng

    - Tư vấn giám sát thi công xây dựng

    - Chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

    Khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải có trình độ chuyên môn phù hợp gì?

    Tại Điều 67 Nghị định 15/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP có quy định khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải có trình độ chuyên môn phù hợp như sau:

    Đối với hoạt động khảo sát xây dựng:

    - Khảo sát địa hình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành về địa chất công trình, trắc địa, bản đồ, các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan;

    - Khảo sát địa chất công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành về địa chất công trình, địa chất thủy văn, các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan.

    Đối với thiết kế quy hoạch xây dựng: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông.

    Đối với thiết kế xây dựng

    - Thiết kế kết cấu công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến kết cấu công trình (không bao gồm các công trình khai thác mỏ, giao thông, công trình thủy lợi, đê điều);

    - Thiết kế cơ - điện công trình: chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến hệ thống kỹ thuật điện, cơ khí, thông gió - cấp thoát nhiệt;

    - Thiết kế cấp - thoát nước công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến cấp - thoát nước.

    - Thiết kế xây dựng công trình khai thác mỏ: chuyên môn được đào tạo thuộc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến công trình ngầm và mỏ;

    - Thiết kế xây dựng công trình giao thông (gồm: đường bộ; cầu - hầm; đường sắt; đường thủy nội địa, hàng hải): Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến công trình giao thông;

    - Thiết kế xây dựng công trình cấp nước - thoát nước; xử lý chất thải rắn: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến cấp nước, thoát nước, kỹ thuật môi trường đô thị và các chuyên ngành kỹ thuật tương ứng;

    - Thiết kế xây dựng công trình thủy lợi, đê điều: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều và các chuyên ngành kỹ thuật tương ứng.

    Đối với giám sát thi công xây dựng

    - Giám sát công tác xây dựng công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành về kỹ thuật xây dựng, kinh tế xây dựng, kiến trúc, chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến xây dựng công trình;

    - Giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành về điện, cơ khí, thông gió - cấp thoát nhiệt, cấp - thoát nước, chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến lắp đặt thiết bị công trình.

    Đối với định giá xây dựng: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành về kinh tế xây dựng, kỹ thuật xây dựng và các chuyên ngành kỹ thuật có liên quan.

    Đối với quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành về kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, kinh tế xây dựng, chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến xây dựng công trình.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    506