Loading

15:27 - 09/12/2024

Được giáo dục có nằm trong quyền trẻ em không? Ngoài quyền được giáo dục thì còn có những quyền trẻ em gì?

Quyền trẻ em được giáo dục là một trong những quyền cơ bản của trẻ em, được công nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế và quốc gia.

Nội dung chính

    Được giáo dục có nằm trong quyền trẻ em không?

    Giáo dục là một trong những quyền cơ bản và thiết yếu của mỗi trẻ em. Quyền này không chỉ giúp trẻ em phát triển tư duy, khả năng và nhân cách, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tương lai của xã hội. 

    Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Luật Trẻ em 2016 có quy định về quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu của trẻ em như sau:

    Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu
    1. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.
    2. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

    Như vậy, trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Ngoài quyền được giáo dục, trẻ em còn được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu,...

    Được giáo dục có nằm trong quyền trẻ em không? Ngoài quyền được giáo dục thì còn có những quyền trẻ em gì?

    Được giáo dục có nằm trong quyền trẻ em không? Ngoài quyền được giáo dục thì còn có những quyền trẻ em gì? (Hình từ Internet)

    Ngoài quyền được giáo dục thì còn có những quyền trẻ em nào khác?

    Căn cứ theo quy định tại mục 1 chương VI Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em có các quyền sau:

    - Quyền sống: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

    - Quyền được khai sinh và có quốc tịch: Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

    - Quyền được chăm sóc sức khỏe: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.

    - Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện.

    - Quyền vui chơi, giải trí: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

    - Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc: Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc Điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình. Có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

    - Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

    - Quyền về tài sản: Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.

    - Quyền bí mật đời sống riêng tư: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

    - Quyền được sống chung với cha, mẹ: Trẻ em có quyền được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

    - Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ.

    - Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi.

    - Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.

    - Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

    - Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

    - Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

    - Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy: Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

    - Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính.

    - Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang: Trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

    - Quyền được bảo đảm an sinh xã hội: Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với Điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

    - Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội.

    - Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp.

    Có các cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền trẻ em?

    Theo quy định tại mục 1 chương VI Luật Trẻ em 2016 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em thì có 17 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền trẻ em gồm:

    (1) Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp;

    (2) Chính phủ;

    (3) Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân;

    (4) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

    (5) Bộ Tư pháp;

    (6) Bộ Y tế;

    (7) Bộ Giáo dục và Đào tạo;

    (8) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

    (9) Bộ Thông tin và Truyền thông;

    (10) Bộ Công an;

    (11) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

    (12) Ủy ban nhân dân các cấp;

    (13) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;

    (14) Các tổ chức xã hội;

    (15) Tổ chức kinh tế;

    (16) Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em;

    (17) Quỹ Bảo trợ trẻ em.

    saved-content
    unsaved-content
    146