Loading

10:23 - 26/11/2024

Giáo dục hòa nhập được hiểu như thế nào? Người không khuyết tật có được học tại giáo dục hòa nhập không?

Người không khuyết tật có được học tại giáo dục hòa nhập không? Các hoạt động hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong cơ sở giáo dục gồm các hoạt động nào?

Nội dung chính

    Giáo dục hòa nhập được hiểu như thế nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 15 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau:

    Giáo dục hòa nhập
    1. Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học; bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không phân biệt đối xử.
    2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thực hiện giáo dục hòa nhập cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
    2. Giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
    ...

    Theo đó, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không phân biệt đối xử; giáo dục hòa nhập nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học.

    Giáo dục hòa nhập

    Giáo dục hòa nhập được hiểu như thế nào? (Hình từ internet)

    Người không khuyết tật có được học tại cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT có định nghĩa về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.

    Bên cạnh đó, mục tiêu của giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật tại Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định như sau:

    - Người khuyết tật được phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng.

    - Đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của người khuyết tật.

    Như vậy, người không khuyết tật vẫn được học tại cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập.

    Lớp học giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật được bố trí như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập như sau:

    Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập
    ...
    2.Sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật; đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 02 (hai) người khuyết tật. Trường hợp đặc biệt, thủ trưởng cơ sở giáo dục căn cứ vào Điều kiện thực tế có thể sắp xếp, bố trí thêm người khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những người khuyết tật có nhu cầu học hòa nhập đều được đi học.
    ...

    Như vậy, có thể thấy rằng cách bố trí lớp học giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật phải đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 02 (hai) người khuyết tật.

    Lưu ý: trường hợp đặc biệt, thủ trưởng cơ sở giáo dục căn cứ vào Điều kiện thực tế có thể sắp xếp, bố trí thêm người khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những người khuyết tật có nhu cầu học hòa nhập đều được đi học.

    Các hoạt động hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong cơ sở giáo dục gồm các hoạt động nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT thì gồm 03 hoạt động hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong cơ sở giáo dục như sau:

    - Hỗ trợ người khuyết tật bổ sung kiến thức, phát triển kỹ năng đặc thù để học hòa nhập có hiệu quả;

    - Tư vấn, hỗ trợ các biện pháp, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và gia đình người khuyết tật;

    - Tư vấn dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập và định hướng nghề nghiệp cho người khuyết tật.

    Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục phối hợp với trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập đạt hiệu quả.

    Ngoài ra, căn cứ vào Điều kiện của cơ sở giáo dục và nhu cầu hỗ trợ của người khuyết tật học hòa nhập, cơ sở giáo dục bố trí phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập để thực hiện hoạt động hỗ trợ người khuyết tật học hòa nhập.

    Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập có thiết bị hỗ trợ đặc thù, học liệu, công cụ xác định mức độ phát triển cá nhân của người khuyết tật để tổ chức các hoạt động nhằm phát triển khả năng của người khuyết tật.

    saved-content
    unsaved-content
    117