Hà Nội thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp: Phấn đấu đến năm 2030 đạt 90% lao động có kỹ năng công nghệ thông tin?
Nội dung chính
Tỷ lệ lao động tại Hà Nội là người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo nghề nghiệp sẽ đạt 45% vào năm 2025?
Căn cứ vào tiểu mục 2 Mục II Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2022 đã đặt ra mục tiêu vào năm 2025 của Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội đến năm 2025 như sau:
Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước trong khu vực, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; đến năm 2025, thực hiện đào tạo cho 1.150.000 lượt người, bình quân mỗi năm đạt khoảng 230.000 lượt người; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 55,5%.
Một số chỉ tiêu chủ yếu:
- Thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; đào tạo sơ cấp và dưới 03 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; số học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.
- Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%.
- Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%.
- Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%.
- Ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
- Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.
- Phấn đấu khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.
- Tập trung đầu tư 04 trường cao đẳng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt là trường chất lượng cao theo hướng đồng bộ hiện đại, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, có một số nghề trọng điểm đạt chuẩn ASEAN, quốc tế.
Như vậy, đến năm 2025 thì kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội sẽ đạt được những mục tiêu theo nội dung nêu trên. Trong đó có việc người lao động là dân tộc thiểu số đã được đào tạo nghề nghiệp sẽ đạt tỷ lệ 45% vào năm 2025.
Hà Nội thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp: Phấn đấu đến năm 2030 đạt 90% lao động có kỹ năng công nghệ thông tin?
Tỷ lệ lao động tại Hà Nội có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90% vào năm 2030?
Căn cứ vào tiểu mục 2 Mục II Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2022 đã đặt ra mục tiêu vào năm 2025 của Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội đến năm 2030 như sau:
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước trong khu vực; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố đạt 80 - 85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 60%.
Một số chỉ tiêu chủ yếu:
- Thu hút 50 - 55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; số học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.
- Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động.
- Tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 50%.
- Tỷ lệ lao động người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 40%.
- Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.
- Ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
- Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.
- Phấn đấu khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.
- Trong số 04 trường được đầu tư trường chất lượng cao, phấn đấu có 01 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 01 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội?
Căn cứ vào Mục I Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2022 đã đưa ra những mục đích và yêu cầu thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội như sau:
“I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung của “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Bám sát chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố trong các Kế hoạch, Chương trình, Đề án về phát triển nguồn nhân lực Thủ đô; huy động sự tham gia của các cấp, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và đồng thuận xã hội trong việc thực hiện Kế hoạch để phát triển giáo dục nghề nghiệp Thủ đô phù hợp với vị thế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
2. Yêu cầu
- Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới.
- Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của Thủ đô.”
Theo đó, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn năm 2045 sẽ được thực hiện theo những yêu cầu và mục đích như trên.