Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN có bao nhiêu thành viên?
Nội dung chính
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN có bao nhiêu thành viên?
Hiện nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN gồm 11 quốc gia thành viên được liệt kê theo ngày gia nhập:
- Các quốc gia sáng lập (ngày 8 tháng 8 năm 1967):
+ Cộng hòa Indonesia
+ Liên bang Malaysia
+ Cộng hòa Philippines
+ Cộng hòa Singapore
+ Vương quốc Thái Lan
- Các quốc gia gia nhập sau:
+ Nhà nước Brunei Darussalam (ngày 8 tháng 1 năm 1984)
+ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 28 tháng 7 năm 1995).
+ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (ngày 23 tháng 7 năm 1997)
+ Cộng hòa Liên bang Myanmar (ngày 23 tháng 7 năm 1997)
+ Vương quốc Campuchia (ngày 30 tháng 4 năm 1999)
+ Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste (ngày 11 tháng 11 năm 2022)
Ngoài ra, ứng viên xin gia nhập, hiện đang là quan sát viên:
Nhà nước Độc lập Papua New Guinea (quan sát viên từ năm 1976)
Trên đây là 11 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN có bao nhiêu thành viên? (Hình từ Internet)
Học sinh lớp mấy được học về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN?
Căn cứ tiểu mục 1 Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông Môn Địa lí ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, học sinh lớp 11 học 02 nội dung về Địa lí kinh tế xã hội thế giới, trong đó bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Học sinh cần:
- So sánh được với EU về mục tiêu của ASEAN; cơ chế hoạt động, một số hợp tác cụ thể trong kinh tế, văn hoá; phân tích được các thành tựu và thách thức của ASEAN.
- Chứng minh được sự hợp tác đa dạng và vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
Quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Địa lí ra sao?
Căn cứ Mục 2 Chương trình giáo dục phổ thông môn Địa lí ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Địa lí như sau:
-. Chương trình bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh
Chương trình môn Địa lí xác định rõ các phẩm chất và năng lực có thể hình thành, phát triển qua môn học.
Một mặt, chương trình căn cứ vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi làm cơ sở và điểm xuất phát để lựa chọn các nội dung giáo dục; mặt khác, chương trình hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh tiếp thu và vận dụng nội dung giáo dục của môn học vào thực tiễn.
- Chương trình bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học và đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp
Nội dung chương trình được thiết kế theo ba mạch: địa lí đại cương, địa lí thế giới, địa lí Việt Nam, bao gồm các kiến thức cốt lõi và chuyên đề học tập; phát triển, mở rộng và nâng cao nội dung giáo dục địa lí đã học ở cấp trung học cơ sở; bảo đảm tinh gọn, cơ bản, cập nhật các tri thức khoa học, hiện đại của địa lí học, các vấn đề về phát triển của thế giới, khu vực, Việt Nam và địa phương.
Các nội dung giáo dục và yêu cầu cần đạt của chương trình có tính đến sự phù hợp với thực tế dạy học ở trường phổ thông trong định hướng phát triển.
Đối với những học sinh có định hướng nghề nghiệp liên quan đến kiến thức địa lí, ngoài kiến thức cốt lõi, chương trình có các chuyên đề học tập ở mỗi lớp, nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
- Chương trình bảo đảm tính kế thừa, hiện đại
Chương trình môn Địa lí kế thừa phát huy ưu điểm của những chương trình đã có, tiếp thu kinh nghiệm phát triển chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến, tiếp cận với những thành tựu của khoa học kĩ thuật hiện đại; phù hợp với thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện và khả năng học tập của học sinh ở các vùng, miền khác nhau.
- Chương trình chú trọng tích hợp, thực hành và vận dụng
Chương trình môn Địa lí chú trọng tích hợp, thực hành, gắn nội dung giáo dục của môn học với thực tiễn nhằm rèn luyện cho học sinh kĩ năng vận dụng kiến thức địa lí vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.
Tính tích hợp được thể hiện ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau: tích hợp giữa các kiến thức địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, xã hội và địa lí kinh tế trong môn học; lồng ghép các nội dung liên quan (giáo dục môi trường, biển đảo, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; giáo dục dân số, giới tính, di sản, an toàn giao thông,...) vào nội dung địa lí; vận dụng kiến thức các môn học khác (Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử,...) trong việc làm sáng rõ các kiến thức địa lí; kết hợp kiến thức nhiều lĩnh vực khác nhau để xây dựng thành các chủ đề có tính tích hợp cao.
Chương trình xác định thực hành, luyện tập, vận dụng là nội dung quan trọng, đồng thời là công cụ thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực của học sinh. Nội dung này chú trọng việc vận dụng kiến thức địa lí vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển các năng lực đặc thù của môn học.
- Chương trình được xây dựng theo hướng mở
Trên cơ sở bảo đảm định hướng, yêu cầu cần đạt và những nội dung giáo dục cốt lõi thống nhất trong cả nước, chương trình dành thời lượng nhất định để các trường hướng dẫn học sinh thực hành tìm hiểu địa lí địa phương phù hợp với điều kiện của mình; đồng thời triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của cơ sở giáo dục, của địa phương.
Chương trình được xây dựng theo hướng khái quát, không quá chi tiết, tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên các trường chủ động, sáng tạo thực hiện chương trình trong điều kiện khoa học, công nghệ và xã hội liên tục phát triển, thường xuyên đặt ra những yêu cầu mới cho giáo dục.