Loading

18:16 - 24/09/2024

Hộ khẩu khác tỉnh có thể mua đất được không?

Em muốn mua một mảnh đất, bên bán đã đồng ý giá cả thỏa thuận rồi. Em có hộ khẩu Hà Nội mua đất ở Vĩnh Phúc. Em muốn hỏi, nếu em mua đất mà để đó, chưa xây dựng vì chưa có nhu cầu sử dụng thì sau bao lâu em có thể làm thủ tục đứng tên hộ khẩu của đất này?. Em có phải tách tên ra khỏi hộ khẩu gia đình rồi mới được đứng 1 mình khẩu được không ạ?. Có thời gian hay luật quy định về thời gian hay điều khoản gì không ạ. Sau bao lâu? Và em có được đứng tên quyền sử dụng đất đó không? Hay em phải xây dựng nhà ở thì mới được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Em cần những giấy tờ gì ngoài biên lai cam kết 2 bên ạ. Phải gặp những cơ quan hành chính nào ạ. Vì là mua đất ở tỉnh khác, em cũng không biết phải cần gì.

Nội dung chính

    Về vấn đề đề Hộ khẩu mảnh đất khi đã mua

    Điều 19 - Luật cư trú quy định: Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó;

    Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

    Theo đó, người đăng ký thường trú nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    Hồ sơ đăng ký thường trú theo Thông tư 35/2014/TT-BCA:

    1. Hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:

    a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

    b) Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

    c) Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);

    d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây viết gọn là Nghị định số 31/2014/NĐ-CP).

    Là một trong các giấy tờ sau đây:

    1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

    a) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

    - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;

    - Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);

    - Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);

    - Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

    - Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

    - Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);

    - Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;

    - Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

    - Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

    - Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở.

    Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.

    b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân (trường hợp văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã). Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý băng văn bản;

    c) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo về việc công dân có chỗ ở thuộc trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều 26 của Luật Cư trú;

    d) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

    Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn chưa hội đủ điều kiện để đăng ký thường trú theo quy định. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn các giải pháp khác như:

    Chuẩn bị giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại điểm b, c, d của thư này (nếu có), hoặc tiến hành xây dựng nhà trên mảnh đất đã mua và hoàn tất các thủ tục cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà theo quy định.

    Bạn có thể liên hệ với cơ quan Công an để biết rõ hơn về thủ tục đăng ký thường trú.

    Về việc đứng tên quyền sử dụng đất

    Theo Điều 169 Luật đất đai 2013 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014) quy định như sau:

    “2. Hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phụ thuộc vào nơi cư trú, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 191 và Điều 192 của Luật này.”

    Cụ thể Khoản 3, khoản 4 Điều 191 Luật đất đai 2013 quy định:

    “Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

    3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

    4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.”

    Và Điều 192 Luật đất đai 2013 quy định:

    “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện

    1. Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.

    2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.

    3. Hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất theo quy định của Chính phủ.”

    Vì trong thư bạn trình bày không nói rõ mảnh đất bạn mua ở khu vực nào, thuộc loại đất nào nên bạn có thể đối chiếu với quy định của của một số điều luật trên để xem xét mình có quyền sở hữu đất khi không có hộ khẩu tại nơi mảnh đất tọa lạc hay không?

    Nếu mảnh đất mà bạn mua không thuộc vào các loại đất được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 191 và Điều 192 Luật Đất đai 2013 thì bạn có thể đứng tên trên sổ đỏ.

    Ngoài ra, để biết thêm thông tin chi tiết về mảnh đất trên bạn có thể liên hệ trực tiếp tại Phòng tài nguyên môi trường tại địa phương để được hướng dẫn cụ thể hơn.

    Những giấy tờ cần khi mua đất

    Giấy tờ bên bán cần cung cấp:

    - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

    - Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của bên bán (cả vợ và chồng)

    -  Sổ Hộ khẩu của bên bán (cả vợ và chồng)

    -  Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của bên bán (Đăng ký kết hôn hoặc Giấy khai sinh của các con chung)

    * Trong trường hợp bên bán gồm một người cần có các giấy tờ sau :

    - Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu từ trước tới nay sống độc thân )

    -  Bản án ly hôn + Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu đã ly hôn)

    -  Giấy chứng tử của vợ hoặc chồng + Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu vợ hoặc chồng đã chết trước khi có tài sản)

    - Giấy tờ chứng minh tài sản riêng do được tặng cho riêng, do được thừa kế riêng hoặc có thoả thuận hay bản án phân chia tài sản (Hợp đồng tặng cho, văn bản khai nhận thừa kế, thoả thuận phân chia, bản án phân chia tài sản)

    - Hợp đồng uỷ quyền bán (Nếu có)

    Giấy tờ bên mua cần cung cấp:

    -  Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của bên mua (cả vợ và chồng nếu bên mua là hai vợ chồng)

    -  Sổ hộ khẩu của bên mua (cả vợ và chồng)

    -  Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của bên mua (Đăng ký kết hôn)

    -  Phiếu yêu cầu công chứng + tờ khai

    -  Hợp đồng uỷ quyền mua (Nếu có)

    Cơ quan thẩm quyền: Tổ chức công chứng bất kỳ trên địa bàn nơi có bất động sản (theo khoản 1 Điều 37 Luật Công chứng). Bạn có thể lựa chọn Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.

    saved-content
    unsaved-content
    725