Hướng dẫn mới nhất đưa hàng hóa về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan của Tổng Cục Hải quan ?
Nội dung chính
Quy định đưa hàng về bảo quản đối với người khai hải quan hiện nay?
Theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi bổ sung một số quy định bởi khoản 21 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định về đưa hàng về bảo quản như sau:
“Điều 32. Đưa hàng về bảo quản
1. Hàng hóa của doanh nghiệp ưu tiên được đưa về bảo quản theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư của Bộ Tài chính về doanh nghiệp ưu tiên.
2. Hàng hóa phải kiểm dịch
Việc kiểm dịch được thực hiện tại cửa khẩu. Trường hợp cơ quan kiểm dịch cho phép đưa về các địa điểm kiểm dịch trong nội địa theo quy định của pháp luật để kiểm dịch thì thực hiện việc quản lý, giám sát hải quan như sau:
a) Cơ quan hải quan căn cứ xác nhận của cơ quan kiểm dịch tại Giấy đăng ký kiểm dịch hoặc Giấy tạm cấp kết quả kiểm dịch thực vật (đối với hàng có nguồn gốc thực vật) hoặc Giấy vận chuyển hàng hóa (đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản) hoặc chứng từ khác của cơ quan kiểm dịch để giải quyết cho chủ hàng đưa hàng về địa điểm kiểm dịch;
b) Người khai hải quan tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc vận chuyển, bảo quản hàng hóa tại địa điểm kiểm dịch đến khi có kết luận hàng hóa đáp ứng yêu cầu nhập khẩu mới được đưa hàng hóa ra lưu thông, sử dụng;
c) Cơ quan kiểm dịch có trách nhiệm theo dõi, giám sát hàng hóa trong quá trình vận chuyển, kiểm dịch và bảo quản chờ kết quả kiểm dịch theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm
Hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm phải được lưu giữ tại cửa khẩu, cảng cạn, kho ngoại quan hoặc địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung; địa điểm chuyển phát nhanh, hàng bưu chính, trừ những trường hợp sau đây:
a) Trường hợp cơ quan kiểm tra chuyên ngành chỉ định đưa hàng hóa về địa điểm kiểm tra theo pháp luật về kiểm tra chuyên ngành:
a.1) Người khai hải quan gửi đề nghị đưa hàng về địa điểm kiểm tra theo các tiêu chí quy định tại mẫu số 18 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này và gửi kèm 01 bản chụp Giấy đăng ký kiểm tra chuyên ngành có xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành đến Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trường hợp việc đăng ký kiểm tra chuyên ngành được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thì người khai hải quan không phải gửi chứng từ này cho cơ quan hải quan.
…
c) Người khai hải quan tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc vận chuyển, bảo quản nguyên trạng hàng hóa đến khi có kết luận kiểm tra hàng hóa đáp ứng yêu cầu nhập khẩu và cơ quan hải quan quyết định thông quan hoặc giải phóng hàng. Ngay sau khi hàng hóa được đưa về địa điểm kiểm tra hoặc địa điểm bảo quản, người khai hải quan phải thông báo về hàng hóa đã đến đích cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 19 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này. Hết thời hạn đã đăng ký tại mẫu số 18 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này mà người khai hải quan chưa thông báo hàng hóa đến đích (trừ trường hợp bất khả kháng), người khai hải quan không được đưa hàng về bảo quản cho các lô hàng tiếp theo cho đến khi cơ quan hải quan kiểm tra, xác nhận hàng hóa đã được đưa về bảo quản theo đúng quy định.
Trường hợp bất khả kháng không thể đưa hàng hóa về địa điểm kiểm tra hoặc địa điểm bảo quản đúng thời hạn đã đăng ký với cơ quan hải quan, người khai hải quan áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo nguyên trạng hàng hóa và thông báo ngay cho cơ quan hải quan theo số điện thoại đường dây nóng được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Trường hợp không thể thông báo ngay với cơ quan hải quan thì tùy theo địa bàn thích hợp thông báo với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển để xác nhận, sau đó thông báo lại với cơ quan hải quan để xử lý theo quy định.
Trong thời gian bảo quản hàng hóa, trường hợp cơ quan kiểm tra chuyên ngành yêu cầu đưa hàng hóa vào lắp đặt, vận hành để thực hiện kiểm tra chuyên ngành, người khai hải quan có trách nhiệm thông báo cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan bằng văn bản trước khi lắp đặt, vận hành. Căn cứ thông báo của người khai hải quan, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thực hiện giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; trường hợp công chức hải quan giám sát trực tiếp tại địa điểm lắp đặt, vận hành thì lập Biên bản chứng nhận việc đưa hàng hóa vào lắp đặt, vận hành. Sau khi cơ quan kiểm tra chuyên ngành kết thúc việc kiểm tra, người khai hải quan tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc bảo quản nguyên trạng hàng hóa đến khi có kết luận kiểm tra hàng hóa đáp ứng yêu cầu nhập khẩu và cơ quan hải quan quyết định thông quan hoặc giải phóng hàng.
4. Đối với hàng hóa nhập khẩu vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm; vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra chất lượng thì thực hiện thủ tục đưa hàng về bảo quản như đối với hàng hóa nhập khẩu phải kiểm dịch quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Kiểm tra việc bảo quản hàng hóa
a) Trách nhiệm của người khai hải quan:
…
c) Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi quản lý địa điểm bảo quản hàng hóa phân công cho đơn vị trực thuộc thực hiện việc kiểm tra tình trạng bảo quản hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai thông qua thông tin trên Hệ thống về hàng hóa được phép đưa về bảo quản tại địa bàn.”
Như vậy, khi đưa hàng về bảo quản thì người khai hải quan phải đảm bảo các điều kiện về hàng hóa kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra việc bảo quản hàng hóa.
Hướng dẫn mới nhất của Tổng Cục Hải quan về việc đưa hàng hóa về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan?
Những trường hợp nào người khai hải quan không được đưa hàng hóa về bảo quản?
Căn cứ khoản 6 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 21 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định như sau
“6. Các trường hợp không được đưa về bảo quản
Nếu vi phạm quy định đưa hàng về bảo quản, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, người khai hải quan không được tiếp tục mang hàng hóa về bảo quản:
a) Trong thời gian 01 năm kể từ ngày bị cơ quan hải quan lập Biên bản vi phạm về hành vi không đảm bảo nguyên trạng hàng hóa; bảo quản hàng hóa không đúng địa điểm đăng ký với cơ quan hải quan; kho bãi lưu giữ hàng hóa không đảm bảo quy định tại điểm b.1.4 khoản 3 Điều này;
b) Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về thời hạn nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành nêu tại điểm a.1 khoản 5 Điều này.”
Theo đó, nếu như vi phạm quy định về bảo quản thì ngoài việc bị xử lý theo pháp luật thì người khai hải quan cũng sẽ không được đưa hàng hóa về bảo quản.
Cơ quan Hải quan hướng dẫn thế nào về việc đưa hàng hóa về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan?
Ngày 24/5/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 1847/TCHQ-GSQL năm 2022 hướng dẫn về việc đưa hàng về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan. Cụ thể, trong Công văn này đã có những hướng dẫn như sau:
“Đối với hàng hóa đưa hàng về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan, trường hợp người khai hải quan đề nghị đưa hàng về địa điểm bảo quản theo quy định tại điểm b.1.4.3 khoản 3 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hướng dẫn người khai hải quan nộp 01 bản chụp từ bản chính chứng từ chứng minh quyền sử dụng địa điểm bảo quản hàng hóa còn hiệu lực và 01 bản chụp sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi, địa điểm thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng. Người khai hải quan chỉ phải nộp lần đầu tiên tài liệu này khi đề nghị đưa hàng về bảo quản.
Căn cứ, chứng từ, tài liệu do người khai hải quan nộp, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai giải quyết thủ tục đưa hàng về bảo quản theo đúng quy định tại Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.”
Như vậy, người khai hải quan cần phải cung cấp 01 bản chụp từ bản chính giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm bảo quản hàng hóa còn hiệu lực. Nộp kèm theo đó là bản chụp sơ đồ thiết kế kho, bãi phải có đường ranh giới ngăn cách bằng hàng rào cứng với bên ngoài. Dựa theo tài liệu của người khai hải quan cung cấp, cơ quan hải quan tại nơi đăng ký tờ khai giải quyết thủ tục đưa hàng về bảo quản theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những hướng dẫn mới nhất của Tổng cục Hải quan về việc đưa hàng về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan. Trân trọng!