Loading

08:25 - 13/11/2024

Kinh doanh ngành nghề không đúng với ngành nghề đã đăng ký có được xuất hóa đơn

Tôi được biết theo quy định thì cá nhân, tổ chức được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vậy Ban biên tập cho hỏi. Nếu thay đổi ngành nghề kinh doanh mà chưa thực hiện thủ tục thay đổi ngành nghề kinh doanh thì có được xuất hóa đơn không? Những hóa đơn đã xuất có phải là hóa đơn bất hợp pháp không?

Nội dung chính

    Kinh doanh ngành nghề không đúng với ngành nghề đã đăng ký có được xuất hóa đơn

    Trước đây tại Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xuất hóa đơn không đúng ngành nghề, nhưng tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không còn nữa.

    => Vậy nên việc doanh nghiệp kinh doanh không đúng ngành, nghề đã đăng ký thì sẽ không bị phạt mà doanh nghiệp có thể bị xử phạt với hành vi là không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

    Tại Điều 25 Nghị định 50/2016/NĐ-CP có quy định về xử lý vi phạm hành chính về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.

    2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.

    3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.

    Và theo quy định tại Điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về hoá đơn bất hợp pháp, như sau:

    Điều 22. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

    Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.

    Hoá đơn giả là hoá đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hoá đơn.

    Hoá đơn chưa có giá trị sử dụng và hoá đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.

    Hoá đơn hết giá trị sử dụng là hoá đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hoá đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).

    => Vậy nên, theo quy định trên thì việc doanh nghiệp xuất hóa đơn không đúng với ngành nghề đăng ký không bị xử phạt hành chính (không bị xem là hóa đơn bất hợp pháp) nhưng sẽ bị xử phạt hành chính về việc không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Thế nên, doanh nghiệp phải tiến hành thông báo về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh tới cơ quan đăng ký kinh doanh nếu không thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

    saved-content
    unsaved-content
    223