Mẫu bài văn nghị luận về tinh thần tương thân tương ái lớp 9? Môn học đánh giá bằng nhận xét của học sinh lớp 9 có bao nhiêu mức?
Nội dung chính
Mẫu bài văn nghị luận về tinh thần tương thân tương ái lớp 9?
Tinh thần tương thân tương ái là một truyền thống tốt đẹp, lâu đời của dân tộc Việt Nam. Để hoàn thành được bài văn nghị luận về tinh thần tương thân tương ái, cần làm rõ ý nghĩa, biểu hiện, vai trò của nó trong đời sống và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc duy trì, lan tỏa truyền thống quý báu này.
Dưới đây là mẫu bài văn nghị luận về tinh thần tương thân tương ái mà học sinh có thể tham khảo.
Nghị luận về tinh thần tương thân tương ái - Mẫu số 1:
Tương thân, tương ái là truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời cũng mang tính nhân loại. Những con người có lương tri bao giờ cũng muốn sống gắn bó với nhau, cùng nhau "chia ngọt sẻ bùi". Đây chính là bản chất lương thiện và bản chất xã hội của con người, tạo nên cộng đồng dân tộc và cộng đồng thế giới. Tục ngữ, ca dao Việt Nam nói nhiều về lòng tương thân tương ái: "Lá lành đùm lá rách", "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", "Thương người như thể thương thân", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Người trong một nước phải thương nhau cùng" và "Khôn ngoan đối đáp người ngoài; Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"... Có lẽ hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, luôn luôn phải chiến đấu chống thù trong giặc ngoài; luôn luôn phải đấu tranh với thiên tai khắc nghiệt nên tinh thần tương thân tương ái trở thành phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam, trở thành đặc trưng bản sắc của văn hóa Việt Nam và hơn thế nữa, nó trở thành yêu cầu tất yếu để dân tộc và đất nước Việt Nam tồn tại và phát triển. Truyền thống tương thân, tương ái biểu hiện trước hết ở tình yêu thương, đùm bọc, thông cảm với nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Những năm cả nước có chiến tranh, các gia đình có người thân ra tiền tuyến đều được bà con xóm làng, khu phố an ủi, động viên, giúp đỡ những khi ốm đau, thiếu thốn, tương trợ nhau trong sản xuất. Lòng tương thân, tương ái của đồng bào hậu phương tạo ra sức mạnh cho các chiến sĩ ngoài mặt trận đánh thắng kẻ thù. Đất nước hòa bình nhưng thiên tai dữ dội và liên tiếp lại làm cho nhân dân nhiều tỉnh, nhiều vùng gặp khốn khó ví dụ như trận lũ lụt khủng khiếp ở các tỉnh miền Trung năm 1999 và nạn hồng thủy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra gần ba tháng nay. Đồng bào cả nước, từ em nhỏ đến cụ già, từ người nông dân, công nhân đến các trí thức và nhà tu hành, cùng bà con tiểu thương, ở miền ngược và miền xuôi, đều người ít, người nhiều gom góp tiền của cứu trợ giúp đồng bào lũ lụt. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế cũng nhiệt tình ủng hộ nhân dân vùng gặp thiên tai. Thật là "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Những khi khó khăn, những lúc gặp rủi ro, nhân dân ta đều cùng nhau chia sẻ. Cùng với lòng thương người, truyền thống tương thân, tương ái còn được biểu hiện ở tinh thần biết vui với niềm vui chính đáng của người khác, biết coi thắng lợi và hạnh phúc của người khác như thắng lợi và hạnh phúc của chính mình. Có thêm điều này, lòng tương thân, tương ái mới trở nên toàn vẹn và sâu sắc. Gia đình nào có con em lấy vợ, lấy chồng hoặc đỗ đạt, thành tài thì bà con lối xóm đều đến chia vui. Tương thân, tương ái là truyền thống đạo lí dân tộc, là phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Các câu tục ngữ, ca dao: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng" không chỉ nói về truyền thống nhân đạo của dân tộc, mà còn là những lời nhắc nhở, khuyên răn mọi người nên có và cần phải có tinh thần tương thân, tương ái. |
Nghị luận về tinh thần tương thân tương ái - Mẫu số 2:
“Tình thương là hạnh phúc của con người”. Thật đúng như vậy, con người không thể sống mà không có tình yêu thương. Tình yêu thương mở rộng hơn nữa sẽ là sự đồng cảm, giúp đỡ nhau và là tiền đề của tinh thần tương thân tương ái. Từ xưa đến nay, người Việt Nam ta luôn sống và tự hào về đức tính quý báu này. Tình yêu thương là những tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người, là sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia, giúp đỡ nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ và hướng đến những điều tốt đẹp. Tinh thần tương thân tương ái được hình thành trên nền tảng của tình yêu thương, nếu không có tình yêu thương, con người sẽ trở nên lạnh lùng, vô cảm với nhau. Chính vì thế, con người chúng ta hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh để nhận lại tình yêu thương, sự tôn trọng của mọi người, làm cho cuộc sống này trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn. Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Hơn nữa, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của họ và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn. Mỗi một người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Người giàu tình cảm, sống tương thân tương ái sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng và học tập theo và xã hội sẽ ngày càng nhân rộng những thông điệp tốt đẹp. Thực tế đã chứng minh rất nhiều tấm gương, con người có tinh thần tương thân tương ái. Mùa COVID vừa qua, cả nước ta cùng nắm tay nhau, động viên những nơi chịu thiệt hại do dịch, quyên góp giúp đỡ nền y tế nước nhà, tri ân đến những người y tá, bác sĩ vất vả ngày đêm chiến đấu với bệnh dịch. Tinh thần tương thân tương ái càng được đề cao khi chúng ta đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau cả nước cùng vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác. Lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại, dửng dưng khi người khác rơi vào hoàn cảnh khó khăn… những con người này cần bị phê phán, chỉ trích. Mỗi chúng ta chỉ sống một lần trên đời, hãy sống sao cho thật tốt đẹp, tràn ngập tình yêu thương và có ích cho đời để sau này có thể mỉm cười với tất cả mọi điều đã trôi qua, không phải nuối tiếc. |
Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo.
Mẫu bài văn nghị luận về tinh thần tương thân tương ái lớp 9? Môn học đánh giá bằng nhận xét của học sinh lớp 9 có bao nhiêu mức? (Hình từ Internet)
Môn học đánh giá bằng nhận xét của học sinh lớp 9 có bao nhiêu mức đánh giá?
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về môn học đánh giá bằng nhận xét của học sinh lớp 9 có 02 mức đánh giá như sau:
- Trong một học kì, kết quả học tập mỗi môn học của học sinh được đánh giá theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.
+ Mức Đạt: Có đủ số lần kiểm tra, đánh giá và tất cả các lần được đánh giá mức Đạt.
+ Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.
- Cả năm học, kết quả học tập mỗi môn học của học sinh được đánh giá theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.
+ Mức Đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức Đạt.
+ Mức Chưa đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức Chưa đạt.
Học sinh lớp 9 được đánh giá bằng nhận xét trong môn học nào?
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định học sinh lớp 9 được đánh giá bằng nhận xét trong các môn học như sau:
- Giáo dục thể chất.
- Nghệ thuật.
- Âm nhạc.
- Mĩ thuật.
- Nội dung giáo dục của địa phương.
- Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.