Nghị định 104/2022/NĐ-CP: Bãi bỏ việc xuất trình Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 01/01/2023?
Nội dung chính
Nghị định nào liên quan đến nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy được sửa đổi?
Ngày 21/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Nghị định 104/2022/NĐ-CP vừa được ban hành, đã bãi bỏ việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tại các lĩnh vực việc làm, giáo dục, thuế, nhà ở, đất đai…
Khi thực hiện thủ tục trong các lĩnh vực này, người dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu nữa mà có thể sử dụng các giấy tờ khác như CMND, CCCD, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cụ thể, Nghị định này đã sửa đổi các Nghị định sau đây:
- Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
- Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm xã hội
- Nghị định 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn
- Nghị định 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non
- Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
- Nghị định 168/2016/NĐ-CP về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước
- Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
- Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi Luật này
- Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở
- Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai
- Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nuôi con nuôi.
Xem toàn bộ Nghị định 104/2022/NĐ-CP tại đây.
Nghị định 104/2022/NĐ-CP: Bãi bỏ việc xuất trình Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 01/01/2023? (Hình từ internet)
Quy định về giấy tờ chứng minh thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định không còn đề cập đến sổ hộ khẩu được sửa đổi như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi Điều 11 Nghị định 104/2022/NĐ-CP) thì hiện nay thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:
- Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;
- Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;
- Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;
- Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;
- Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;
- Thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh; giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ơ tại thửa đất đăng ký. Trường hợp không khai thác được thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì bổ sung Giấy xác nhận thông tin về cư trú.
- Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;
- Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;
- Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;
- Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.
Không dùng Sổ hộ khẩu giấy từ ngày 01/01/2023?
Căn cứ khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 có quy định như sau:
Điều khoản thi hành
...
3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Theo đó, nhằm triển khai đề án 06 và thực hiện quy định trên của Luật cư trú, việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy sẽ được thực hiện từ 01/01/2023.
Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP thì khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được thực hiện như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
- Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:
+ Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cống dịch vụ công quốc gia;
+ Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNelD;
+ Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip;
+ Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.
Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
- Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nghị định 104/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Xem toàn bộ Nghị định 104/2022/NĐ-CP tại đây.