Nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ đến từ đâu?
Nội dung chính
Nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ đến từ đâu?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 160/2013/NĐ-CP quy định nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ:
Nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ
1. Tài chính cho công tác bảo tồn loài được ưu tiên bảo vệ được sử dụng từ các nguồn:
a) Ngân sách nhà nước cấp;
b) Đầu tư, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
c) Thu từ dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
2. Ngân sách nhà nước cho bảo tồn và phát triển loài được ưu tiên bảo vệ được sử dụng cho các mục đích sau đây:
a) Điều tra cơ bản; điều tra định kỳ; điều tra theo yêu cầu quản lý; quan trắc; thống kê; báo cáo;
b) Xây dựng, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu và lập báo cáo về loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ;
c) Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cấp, cải tạo cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nhà nước;
d) Lập, thẩm định hồ sơ đề nghị đưa loài vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ;
đ) Thực hiện chương trình, dự án bảo tồn loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ;
e) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức về bảo tồn và phát triển loài được ưu tiên bảo vệ;
g) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, lưu giữ hợp pháp loài được ưu tiên bảo vệ;
h) Cứu hộ, giám định mẫu vật và thực hiện các phương án xử lý tang vật, động vật hoang dã bị chết trong quá trình cứu hộ; tái thả động vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ về môi trường sinh sống tự nhiên phù hợp.
Theo đó, nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ đến từ những nguồn sau:
- Ngân sách nhà nước cấp;
- Đầu tư, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Thu từ dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ đến từ đâu? (Hình từ Internet)
Được nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 15 Nghị định 160/2013/NĐ-CP quy định xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ như sau:
Xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ chỉ được thực hiện nhằm phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái hoặc tạo nguồn giống ban đầu.
2. Ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành về xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng đối với loài thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ.
3. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có trách nhiệm gửi báo cáo thống kê về xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng việc xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ.
Theo đó, chỉ được nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ trong trường hợp phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái hoặc tạo nguồn giống ban đầu.
Cứu hộ, đưa loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 160/2013/NĐ-CP quy định cứu hộ, đưa loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng như sau:
- Các loài động vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên, bị lạc, sau khi xử lý tịch thu còn khỏe mạnh thì cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp; trong trường hợp không đảm bảo điều kiện để thả lại nơi sinh sống tự nhiên do bị thương, bị bệnh thì đưa vào cơ sở cứu hộ để cứu chữa, nuôi dưỡng, chăm sóc.
- Cơ sở cứu hộ khi nhận được thông báo về loài cần cứu hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 160/2013/NĐ-CP phải triển khai cứu hộ kịp thời, lập hồ sơ theo dõi đối với từng cá thể loài được cứu hộ và thông báo cho cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Sau khi cá thể loài được cứu hộ đã phục hồi, cơ sở cứu hộ phải báo cáo cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thả lại nơi sinh sống tự nhiên của loài hoặc chuyển tới cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp.
- Trường hợp cá thể loài cứu hộ bị chết trong quá trình cứu hộ, cơ sở cứu hộ phải báo cáo với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và thực hiện phương án xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành quy trình kỹ thuật về cứu hộ, tái thả lại loài được ưu tiên bảo vệ vào môi trường sống tự nhiên hoặc chuyển tới cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp.