Loading

17:29 - 10/12/2024

Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ mới nhất

Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ mới nhất. Các bước cần thực hiện khi lập biên bản khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ là gì?

Nội dung chính

    Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ mới nhất

    Tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về quy trình tiến hành khám nghiệm hiện trường như sau:

    Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Mẫu số 06/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA và vẽ Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Mẫu số 07/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA; sơ đồ hiện trường phải đồng nhất với biên bản khám nghiệm hiện trường. Việc khám nghiệm hiện trường cụ thể như sau:

    - Quan sát toàn bộ khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ để xác định vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ ở hiện trường;

    - Căn cứ chiều hướng khám nghiệm, điểm làm mốc ở hiện trường để đánh dấu theo số tự nhiên thứ tự vị trí của tất cả các nạn nhân, tang vật, phương tiện và dấu vết có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ;

    - Chụp ảnh hiện trường, gồm: Ảnh hiện trường chung, hiện trường từng phần, quay camera (nếu có); chụp ảnh nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết có liên quan và phải đặt thước tỷ lệ. Việc chụp ảnh hiện trường phải được lập thành Bản ảnh hiện trường, sắp xếp ảnh theo thứ tự, có chú thích ảnh;

    - Đo và vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ, sử dụng thống nhất kí hiệu và đơn vị đo; thể hiện đầy đủ tổ chức giao thông (hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu và các hệ thống báo hiệu khác có liên quan, công trình phụ trợ gắn liền đường bộ nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông) nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ; phần chú dẫn phải thể hiện tỷ lệ vẽ, dấu vết, ký hiệu trên sơ đồ hiện trường;

    - Thu lượm tang vật, phương tiện, dấu vết để bảo quản và lấy mẫu so sánh đúng quy định của pháp luật. Những dấu vết dễ bị thay đổi hoặc biến dạng phải được thu lượm bảo quản ngay như: vết máu, lông, tóc, sợi, xăng, dầu, các dấu vết hóa học khác.

    Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ mới nhất

    Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ mới nhất (Hình ảnh từ internet)

    Các bước cần thực hiện khi lập biên bản khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ là gì?

    Theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư 72/2024/TT-BCA hướng dẫn lập biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ như sau:

    Nội dung biên bản khám nghiệm phải ghi thời gian bắt đầu và kết thúc việc khám nghiệm, địa điểm, thành phần tham gia khám nghiệm, tình trạng hiện trường trước khi khám nghiệm, điều kiện thời tiết, ánh sáng khi tiến hành khám nghiệm, quá trình khám nghiệm, cụ thể như sau:

    - Mô tả hiện trường chung: vị trí hiện trường; đặc điểm hiện trường; vị trí tai nạn xảy ra trên loại đường nào (đường một chiều hay đường hai chiều, đường có dải phân cách loại gì, rào chắn, tường hộ lan loại gì), chiều rộng mặt đường, chiều rộng lề đường, hệ thống báo hiệu đường bộ, chướng ngại vật trên đường, đặc điểm, hình dạng đoạn đường (bằng phẳng hay dốc, thẳng hay cong, tầm nhìn bị che khuất hay không bị che khuất), đặc điểm tình trạng mặt đường (mặt đường làm bằng vật liệu gì: bê tông xi măng, nhựa, đá dăm, đất); tình trạng mặt đường (phẳng, nhẵn, nứt vỡ, trơn trượt);

    - Ghi nhận việc đánh số thứ tự vị trí của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết;

    - Ghi nhận việc xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn, chiều hướng khám nghiệm hiện trường;

    - Mô tả vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường theo số thứ tự như đã đánh dấu trên hiện trường;

    - Ghi cụ thể số lượng tang vật, phương tiện, dấu vết đã phát hiện, thu lượm bảo quản và các mẫu so sánh;

    - Ghi nhận quá trình sử dụng thiết bị điện tử máy quét, hiện trường, lập mô hình hiện trường chuyên dụng để đo vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường, vẽ hiện trường hoặc chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có).

    Quy định về khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ

    Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ như sau:

    (1) Thành phần tham gia khám nghiệm thực hiện theo điểm c khoản 3 Điều 8 Thông tư 72/2024/TT-BCA.

    (2) Các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ phải được tiến hành khám nghiệm và lập Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Mẫu số 09/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA tại hiện trường hoặc nơi tạm giữ phương tiện ngay sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường.

    Nếu có nhiều phương tiện giao thông thì tiến hành khám nghiệm lần lượt từng phương tiện giao thông, mỗi phương tiện lập 01 Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ.

    (3) Kiểm tra toàn bộ giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ của phương tiện giao thông có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ như: giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân (nếu có), đăng ký xe (đối chiếu với biển số, số khung, số máy), giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại phương tiện quy định phải có), giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, các loại giấy tờ có liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải của phương tiện và hàng hóa vận chuyển trên phương tiện (nếu có).

    Đối với trường hợp các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông đã được tích hợp trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia thì Cảnh sát giao thông thực hiện việc kiểm tra giấy tờ trên môi trường điện tử.

    (4) Khám nghiệm ô tô, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự được tiến hành từ bên ngoài vào bên trong, từ trước ra sau, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới kể cả gầm xe; đặt thước tỉ lệ và chụp ảnh, quay camera (nếu có).

    Kiểm tra hệ thống lái, hệ thống phanh, hệ thống treo, côn, ga, số, đồng hồ, đèn, còi, gương, gạt nước, thiết bị lưu trữ dữ liệu hoạt động của động cơ, hệ thống an toàn của phương tiện và các trang thiết bị khác của phương tiện theo các nội dung kiểm định an toàn kỹ thuật của xe cơ giới đường bộ; hàng hoá đồ vật chở trên phương tiện.

    (5) Khám nghiệm xe mô tô, xe máy, xe thô sơ được tiến hành bên ngoài xe, từ trước ra sau, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới; đặt thước tỉ lệ và chụp ảnh, quay camera (nếu có). Kiểm tra hệ thống phanh, côn, ga, số, đồng hồ, đèn, còi, gương và các trang thiết bị khác của phương tiện (nếu có).

    (6) Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ phải ghi cụ thể: giấy tờ, đặc điểm phương tiện; mô tả các dấu vết; ghi nhận thiệt hại, hư hỏng của phương tiện, ghi nhận việc thu giữ mẫu vật, dấu vết và các thiết bị kỹ thuật (như camera hành trình, thiết bị giám sát hành trình, hộp đen phương tiện, các thiết bị lưu trữ dữ liệu điện tử khác) để phục vụ công tác giám định.

    (7) Thông qua và ký Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan vụ tai nạn giao thông đường bộ.

    Lưu ý: Thông tư 72/2024/TT-BCA có hiệu lực ngày 01/01/2025.

    saved-content
    unsaved-content
    197