Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch được quy định như thế nào? Tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch là gì?
Nội dung chính
Chữ ký người dịch
Chứng thực chữ ký người dịch
Thủ tục chứng thực
Thủ tục chứng thực chữ ký
Cộng tác viên dịch thuật
------
Chứng thực chữ ký
Tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch là gì?
Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch như sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch.
Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định tại Khoản này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch.
Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch được quy định như thế nào? Tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch là gì?
Cộng tác viên dịch thuật của phòng tư pháp phải đáp ứng điều kiện nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Cộng tác viên dịch thuật
1. Người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước. Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật và lập danh sách cộng tác viên dịch thuật của phòng, báo cáo Sở Tư pháp phê duyệt.
2. Trên cơ sở danh sách cộng tác viên dịch thuật đã được Sở Tư pháp phê duyệt, Phòng Tư pháp niêm yết công khai tại trụ sở của Phòng Tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu chứng thực trong việc liên hệ với người dịch.
3. Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp phải ký hợp đồng cộng tác viên dịch thuật với Phòng Tư pháp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người dịch đối với nội dung, chất lượng của bản dịch.
Theo như quy định trên, người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP sẽ được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước.
Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp phải ký hợp đồng cộng tác viên dịch thuật với Phòng Tư pháp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người dịch đối với nội dung, chất lượng của bản dịch.
Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 31 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thủ tục chứng thực chữ ký người dịch như sau:
- Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp yêu cầu chứng thực chữ ký phải xuất trình bản dịch và giấy tờ, văn bản cần dịch.
Khi thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trên bản dịch với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực; trường hợp nghi ngờ chữ ký trên bản dịch so với chữ ký mẫu thì yêu cầu người dịch ký trước mặt.
- Đối với người không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân và có yêu cầu chứng thực chữ ký trên bản dịch thì phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
+ Bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP; trừ trường hợp dịch những ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học nhưng thông thạo ngôn ngữ cần dịch;
+ Bản dịch đính kèm giấy tờ, văn bản cần dịch.
Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP
- Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, tùy theo từng trường hợp, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 23/2015/NĐ-CP hoặc khoản 2 Điều 31 Nghị định 23/2015/NĐ-CP và giấy tờ, văn bản được dịch không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 32 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì thực hiện chứng thực như sau:
+ Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký người dịch theo mẫu quy định;
+ Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Đối với bản dịch giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
- Trường hợp người dịch là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự đồng thời là người thực hiện chứng thực tại các Cơ quan đại diện thì viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự phải cam đoan về việc đã dịch chính xác nội dung giấy tờ, văn bản; ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của Cơ quan đại diện.
Trách nhiệm của người dịch và người thực hiện chứng thực chữ ký người dịch được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người dịch và người thực hiện chứng thực chữ ký người dịch như sau:
- Người dịch phải chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước cơ quan thực hiện chứng thực về tính chính xác của nội dung bản dịch; không được dịch những giấy tờ, văn bản quy định tại Điều 32 Nghị định 23/2015/NĐ-CP để yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch.
- Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người dịch trong bản dịch.