Loading

08:34 - 18/12/2024

Tiêu chuẩn làm công chức địa chính cấp xã năm 2023 như thế nào? Nhiệm vụ của công chức địa chính xã là gì?

Cho tôi hỏi năm 2023 công dân cần đáp ứng các tiêu chuẩn nào để được làm công chức địa chính xã? Câu hỏi của anh Lâm (Bắc Ninh)

Nội dung chính

    Tiêu chuẩn làm công chức địa chính cấp xã năm 2023 như thế nào?

    Tại Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BNV được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BNV có quy định về tiêu chuẩn cụ thể để tuyển dụng công chức cấp xã như sau:

    Tiêu chuẩn cụ thể
    1. Công chức cấp xã phải có đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Nghị định số 112/2011/NĐ-CP) và các tiêu chuẩn cụ thể như sau:
    a) Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;
    b) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;
    c) Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại các xã: miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
    d) Trình độ tin học: Được cấp chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và truyền thông.
    2. Căn cứ tiêu chuẩn của công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều này và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định:
    a) Ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã trong từng kỳ tuyển dụng;
    b) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ).
    3. Các quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và Thông tư này là căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thực hiện việc quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thực hiện các chế độ, chính sách hoặc thực hiện tinh giản biên chế. Đối với công chức đã tuyển dụng trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ theo quy định.

    Như vậy, để được làm công chức cấp xã cần đáp ứng các tiêu chuẩn chung là đủ 18 tuổi trở lên, đã tốt nghiệp THPT và có bằng đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, có chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin.

    Điều kiện, tiêu chuẩn làm công chức địa chính cấp xã cụ thể sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định chi tiết tùy vào từng địa phương.

    Tiêu chuẩn làm công chức địa chính cấp xã năm 2023 như thế nào?

    Tiêu chuẩn làm công chức địa chính cấp xã năm 2023 như thế nào? Nhiệm vụ của công chức địa chính xã là gì? (Hình từ Internet)

    Nhiệm vụ của công chức địa chính xã là gì?

    Tại khoản 4 Điều 2 Thông tư 13/2019/TT-BNV có quy định về nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã như sau:

    Nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã
    …..
    4. Công chức Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã)
    a) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong các lĩnh vực: Đất đai, địa giới hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
    b) Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:
    Thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, lập sổ sách các tài liệu và xây dựng các báo cáo về đất đai, địa giới hành chính, tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học, công tác quy hoạch, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
    Tổ chức vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường trên địa bàn;
    Tham gia giám sát về kỹ thuật các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã;
    Chủ trì, phối hợp với công chức khác thực hiện các thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận hồ sơ và thẩm tra để xác minh nguồn gốc, hiện trạng đăng ký và sử dụng đất đai, tình trạng tranh chấp đất đai và biến động về đất đai trên địa bàn; xây dựng các hồ sơ, văn bản về đất đai và việc cấp phép cải tạo, xây dựng các công trình và nhà ở trên địa bàn để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật;
    c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

    Theo đó, công chức địa chính cấp xã sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ theo quy định như trên.

    Nội dung thi công chức địa chính cấp xã gồm những gì?

    Tại Điều 11 Nghị định 112/2011/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định về nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn như sau:

    Nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển
    Thi tuyển công chức cấp xã được thực hiện theo 2 vòng thi như sau:
    1. Vòng 1: Thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện không có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy.
    a) Nội dung thi trắc nghiệm gồm 2 phần:
    Phần I: Kiến thức chung 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thời gian thi 60 phút;
    Phần II: Tin học 30 câu hỏi về kiến thức cơ bản, kỹ năng ứng dụng tin học văn phòng vào nhiệm vụ chuyên môn. Thời gian thi 30 phút;
    Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học.
    b) Miễn phần thi tin học (vòng 1) đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học hoặc toán - tin trở lên;
    c) Kết quả thi Vòng 1 được xác định theo số câu hỏi trả lời đúng cho từng phần thi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2 theo quy định tại khoản 2 Điều này;
    d) Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thi vòng 1 trên máy vi tính thì phải thông báo kết quả cho người dự tuyển được biết ngay sau khi làm bài thi trên máy vi tính; không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1 trên máy vi tính;
    đ) Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thi vòng 1 trên giấy thì việc chấm thi thực hiện như sau:
    Chậm nhất là 15 ngày sau ngày kết thúc thi vòng 1 phải hoàn thành việc chấm thi vòng 1;
    Chậm nhất là 05 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1 phải công bố kết quả điểm thi để người dự tuyển biết và thông báo việc nhận đơn phúc khảo trong thời hạn 15 ngày sau ngày thông báo kết quả điểm thi trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
    Trường hợp có đơn phúc khảo thì chậm nhất là 15 ngày sau ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo phải hoàn thành việc chấm phúc khảo và công bố kết quả chấm phúc khảo để người dự tuyển được biết;
    Căn cứ vào điều kiện thực tiễn trong quá trình tổ chức chấm thi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyết định kéo dài thời hạn thực hiện các công việc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này nhưng không quá 15 ngày.
    e) Chậm nhất là 05 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1 theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo triệu tập người dự tuyển đủ điều kiện dự thi vòng 2;
    Chậm nhất là 15 ngày sau ngày thông báo triệu tập người dự tuyển được tham dự vòng 2 thì phải tổ chức thi vòng 2.
    2. Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
    a) Nội dung thi: Kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của chức danh công chức cần tuyển dụng.
    Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí chức danh công chức yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau, bảo đảm phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng;
    b) Hình thức thi: Thi phỏng vấn hoặc thi viết:
    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hình thức thi phỏng vấn hoặc thi viết. Trường hợp vòng 2 được tổ chức bằng hình thức phỏng vấn thì không thực hiện việc phúc khảo;
    c) Thời gian thi: Thi phỏng vấn 30 phút, thi viết 180 phút;
    d) Thang điểm (thi phỏng vấn hoặc thi viết): 100 điểm.

    Theo đó, nội dung thi tuyển công chức địa chính xã sẽ gồm có 2 vòng. vòng 1 sẽ gồm 2 phần là thi trắc nghiệm, phần 2 là thi tin học 30 câu hỏi về kiến thức cơ bản, kỹ năng ứng dụng tin học văn phòng vào nhiệm vụ chuyên môn. Tại vòng hai nội dung thi sẽ là thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

    saved-content
    unsaved-content
    164