Loading

16:01 - 05/11/2024

Trách nhiệm chi trả chi phí của bên nhờ mang thai hộ được quy định như thế nào?

Trách nhiệm chi trả chi phí của bên nhờ mang thai hộ bao gồm các chi phí liên quan đến chuẩn bị mang thai, chuyển phôi, chăm sóc thai kỳ, sinh đẻ, hậu sản ra sao?

Nội dung chính

    Mang thai hộ là gì?

    Mang thai hộ được quy định tại khoản 22 và khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mang thai hộ bao gồm: mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.

    - Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

    - Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

    Trách nhiệm chi trả chi phí của bên nhờ mang thai hộ được quy định như thế nào? 

    Theo Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 32/2016/TT-BYT quy định, bên nhờ mang thai hộ có trách nhiệm chi trả các chi phí liên quan đến quá trình mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể, các chi phí mà bên nhờ mang thai hộ phải chi trả bao gồm:

    - Chi phí trong giai đoạn chuẩn bị mang thai: Các chi phí liên quan đến việc chuẩn bị trước khi mang thai, bao gồm các dịch vụ tư vấn, kiểm tra sức khỏe cần thiết.

    - Chi phí áp dụng kỹ thuật chuyển phôi: Bao gồm chi phí liên quan đến việc chuyển phôi cho người mang thai hộ, trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

    - Chi phí các dịch vụ y tế liên quan đến chăm sóc sức khỏe: Các chi phí phát sinh trong suốt quá trình mang thai, như thăm khám, sàng lọc, điều trị bất thường, dị tật của bào thai (nếu có), theo dõi và chăm sóc thai nhi.

    - Chi phí sinh đẻ và chăm sóc sau sinh: Bao gồm chi phí sinh đẻ và chăm sóc người mang thai hộ trong vòng 42 ngày sau sinh, hoặc cho đến khi đứa trẻ được giao cho bên nhờ mang thai hộ.

    - Khám sức khỏe sau sinh: Chi phí khám sức khỏe tổng quát cho người mang thai hộ sau khi sinh.

    - Chi phí điều trị biến chứng sau sinh: Nếu người mang thai hộ gặp biến chứng liên quan đến sức khỏe sinh sản sau sinh, bên nhờ mang thai hộ sẽ chịu chi phí khám và điều trị này.

    Ngoài ra, bên nhờ mang thai hộ còn có trách nhiệm chi trả các chi phí y tế khác như:

    - Chi phí đi lại: Chi phí di chuyển của người mang thai hộ tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện các dịch vụ y tế liên quan đến mang thai hộ.

    - Chi phí y tế: Bao gồm chi phí tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, các kỹ thuật y tế liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, và các chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao cần thiết trong suốt quá trình mang thai.

    - Chi phí dinh dưỡng và vật dụng vệ sinh: Chi phí cho dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho người mang thai hộ và các vật dụng chăm sóc vệ sinh cá nhân trước, trong và sau sinh. Những chi phí này sẽ được xác định dựa trên hóa đơn hoặc giấy biên nhận, nếu có.

    - Các chi phí khác: Các chi phí ngoài những khoản trên sẽ được hai bên thỏa thuận và xác định rõ trong văn bản thỏa thuận giữa bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

    Như vậy, theo quy định tại Thông tư số 32/2016/TT-BYT, bên nhờ mang thai hộ phải chịu trách nhiệm chi trả tất cả các chi phí liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe của người mang thai hộ trong suốt quá trình mang thai, sinh nở và chăm sóc hậu sản. Các chi phí này phải được thanh toán căn cứ theo hóa đơn, chứng từ thực tế và thỏa thuận giữa các bên liên quan.

    Con sinh ra nhờ mang thai hộ là con của ai?

    Theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

    Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
    Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

    Như vậy, con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

    Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào?

    Theo quy định hiện nay việc mang thai hộ sẽ chịu các chế tài hành chính và trong vài trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến mang thai hộ vì mục đích thương mại: 

    Căn cứ quy định tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính: 

    - Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại.

    - Người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Đồng thời, theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015  có thể truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau:

    - Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    + Đối với 02 người trở lên;

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

    + Tái phạm nguy hiểm.

    Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    saved-content
    unsaved-content
    197