Loading

15:35 - 18/10/2024

05 nhóm đối tượng phải chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc từ ngày 10/10/2024 theo Nghị định 130/2024/NĐ-CP

Ngày 10/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP, trong đó có quy định về các nhóm đối tượng phải chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc

Nội dung chính

    Các nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc từ ngày 10/10/2024

    Theo Điều 5 Nghị định 130/2024/NĐ-CP thì đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc được phân thành 05 nhóm như sau:

    - Nhóm 1 gồm các loại phương tiện sau: xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng;

    - Nhóm 2 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn;

    - Nhóm 3 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn;

    - Nhóm 4 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet;

    - Nhóm 5 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.

    05 nhóm đối tượng phải chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc từ ngày 10/10/2024 theo Nghị định 130/2024/NĐ-CP

    05 nhóm đối tượng phải chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc từ ngày 10/10/2024 theo Nghị định 130/2024/NĐ-CP (Ảnh từ Internet)

    Điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo Nghị định 130 năm 2024

    Tại Điều 3 Nghị định 130/2024/NĐ-CP thì điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc như sau:

    Đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được triển khai thu phí gồm:

    (1) Đường bộ cao tốc đáp ứng các điều kiện sau đây:

    - Được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan;

    - Hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan;

    - Có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

    (2) Đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng quy định của Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông và có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

    Quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải quy định như thế nào?

    Căn cứ khoản 3 Điều 10 Nghị định 130/2024/NĐ-CP thì việc quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải, cụ thể như sau:

    - Chi phí cung cấp dịch vụ thu phí được xác định trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và đơn vị vận hành thu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan; toàn bộ số tiền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thu được sau khi trừ chi phí cung cấp dịch vụ thu phí theo hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí (chi phí không quá sáu phẩy ba phần trăm (6,3%) trên tổng số phí thực thu), nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ chuyển vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của cơ quan quản lý thu mở tại Kho bạc nhà nước. Thời hạn chuyển tiền không quá 48 giờ, trong đó không quá 24 giờ đối với số tiền đã phát sinh trên tài khoản nhận tiền thu phí của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ kể từ thời điểm chốt số liệu đối soát. Trường hợp vào các ngày lễ, ngày nghỉ mà hệ thống ngân hàng nghỉ làm việc thì chuyển vào ngày làm việc kế tiếp;

    - Cơ quan quản lý thu xác định số tiền phí được trích lại để chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; chuyển số tiền được trích còn lại (sau khi trừ chi phí cung cấp dịch vụ thu phí theo hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí) vào tài khoản chi hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí của cơ quan quản lý thu mở tại Kho bạc nhà nước; phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước trong thời gian không quá ngày 20 của tháng tiếp theo và chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành;

    - Số tiền đã chuyển vào tài khoản chi hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí của cơ quan quản lý thu mở tại Kho bạc nhà nước được sử dụng để chi chung cho các nhiệm vụ sau: Thanh toán chi phí thuê đơn vị vận hành thu (nếu có) theo hợp đồng; thanh toán chi phí còn thiếu của hợp đồng thuê nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ (trong trường hợp số tiền được giữ lại theo hợp đồng thấp hơn chi phí thuê nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ); chi phí cho hoạt động quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc của cơ quan quản lý thu phí.

    - Hằng năm, cơ quan quản lý thu phải quyết toán thu, chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết 02 năm kể từ năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi hoặc chính sách của Nhà nước thay đổi, số tiền phí được để lại không đủ bảo đảm chi phí cho hoạt động của tổ chức thu phí, cơ quan quản lý thu phải báo cáo Bộ quản lý chuyên ngành, để báo cáo Bộ Tài chính để nộp ngân sách nhà nước hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi tỷ lệ để lại cho phù hợp.

    saved-content
    unsaved-content
    50