Loading

16:48 - 12/09/2024

Ai là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nghĩa trang?

Nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang như thế nào? Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    Nghĩa trang là gì? Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nghĩa trang do ai xây dựng?

    Nghĩa trang được giải thích tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 23/2016/NĐ-CP như sau:
    Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch.
    Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng nghĩa trang được quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2016/NĐ-CP như sau:

    Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng
    1. Quy hoạch, xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
    2. Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

    Theo quy định trên, quy hoạch, xây dựng nghĩa trang phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
    Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

    Nghĩa trang là gì? Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nghĩa trang do ai xây dựng? (Hình từ internet)

    Nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang như thế nào? 

    Tại Điều 3 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định các nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, theo đó:

    1. Tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường).

    2. Khuyến khích đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ cho nhiều địa phương, sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường và cảnh quan xung quanh.

    3. Việc quản lý đất nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ theo pháp luật về đất đai, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.

    4. Việc táng được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    5. Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.

    6. Vệ sinh trong mai táng, hỏa táng và vệ sinh trong xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

    7. Chủ đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng có trách nhiệm quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy định của Nghị định này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

    8. Các đối tượng bảo trợ xã hội khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định hiện hành.

    9. Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy định của Nghị định này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

    10. Cơ quan quản lý nhà nước về nghĩa trang theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; kiến nghị hoặc xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn theo thẩm quyền.

    Theo đó, khi tiến hành xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang phải tuân theo những quy định nêu trên.

    Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ Điều 55 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, như sau:

    1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Không có tường rào hoặc dải cây xanh cách ly bao quanh theo thiết kế được duyệt đối với các nghĩa trang trong đô thị hoặc trong khu dân cư nông thôn;

    b) Chuyển nhượng phần mộ cá nhân đối với trường hợp theo quy định không được chuyển nhượng;

    c) Lập, lưu trữ hồ sơ nghĩa trang không đầy đủ nội dung theo quy định;

    d) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ và không đúng định kỳ tình hình quản lý, sử dụng nghĩa trang theo quy định;

    đ) Không ban hành và công khai đơn giá sử dụng dịch vụ nghĩa trang, cơ sở hỏa táng theo quy định hiện hành;

    e) Lưu giữ tro cốt không đúng nơi quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

    2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Khoảng cách an toàn từ hàng rào nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tới khu dân cư, công trình công cộng không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng theo quy định;

    b) Không đóng cửa nghĩa trang khi không còn diện tích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường;

    c) Sử dụng đất dành cho phần mộ cá nhân trong nghĩa trang vượt quá diện tích quy định.

    3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với đơn vị quản lý vận hành cơ sở hỏa táng có một trong các hành vi sau đây:

    a) Hoạt động không đủ điều kiện năng lực theo quy định;

    b) Giao cho người không đủ điều kiện năng lực để vận hành lò hỏa táng;

    c) Không lập quy trình quản lý vận hành lò hỏa táng hoặc thực hiện quy trình quản lý vận hành lò hỏa táng không đúng quy định đã được phê duyệt;

    d) Không lập sổ theo dõi, lưu trữ hồ sơ các ca hỏa táng theo quy định;

    đ) Không báo cáo tình hình hoạt động cơ sở hỏa táng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

    4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với chủ đầu tư dự án có một trong các hành vi sau:

    a) Đưa nghĩa trang, cơ sở hỏa táng vào sử dụng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện quy định;

    b) Khoảng cách từ cơ sở hỏa táng được xây dựng ngoài nghĩa trang tới khu dân cư, công trình công cộng không đảm bảo quy định.

    5. Hình thức xử phạt bổ sung:

    Đình chỉ hoạt động từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2, điểm a khoản 4 Điều này.

    6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Buộc xây dựng tường rào hoặc dải cây xanh cách ly bao quanh theo thiết kế được duyệt đối với các nghĩa trang trong đô thị hoặc trong khu dân cư nông thôn với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;

    b) Buộc thu hồi phần mộ cá nhân đã chuyển nhượng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

    c) Buộc lập, lưu trữ hồ sơ nghĩa trang đầy đủ nội dung theo quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

    d) Buộc báo cáo đầy đủ và đúng định kỳ tình hình quản lý, sử dụng nghĩa trang theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

    đ) Buộc ban hành và công khai đơn giá sử dụng dịch vụ nghĩa trang, cơ sở hỏa táng theo quy định hiện hành với hành vi quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;

    e) Buộc lưu giữ tro cốt đúng quy định với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

    g) Buộc đóng cửa nghĩa trang theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

    h) Buộc sử dụng đúng diện tích quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

    i) Buộc đảm bảo đủ điều kiện năng lực theo quy định với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này;

    k) Buộc lập quy trình quản lý vận hành lò hỏa táng hoặc buộc thực hiện quy trình quản lý vận hành lò hỏa táng đúng quy định đã được phê duyệt với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

    l) Buộc lập sổ theo dõi, lưu trữ hồ sơ các ca hỏa táng theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;

    m) Buộc báo cáo tình hình hoạt động cơ sở hỏa táng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;

    n) Buộc đáp ứng đủ điều kiện quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

    o) Buộc đảm bảo khoảng cách từ cơ sở hỏa táng được xây dựng ngoài nghĩa trang tới khu dân cư, công trình công cộng không đảm bảo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

    Như vậy, cá nhân khi không vi phạm quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang thì tùy theo hành vi vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 80.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khăc phục hậu quả như trên.

    saved-content
    unsaved-content
    40