Bí mật nhà nước độ tuyệt mật của Đảng gồm những thông tin về kinh tế xã hội nào?
Nội dung chính
Bí mật nhà nước độ tuyệt mật của Đảng gồm những thông tin về kinh tế xã hội nào?
Ngày 14/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1385/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của Đảng.
Trong đó, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định 1385/QĐ-TTg, thông tin về kinh tế xã hội thuộc bí mật nhà nước độ tuyệt mật của Đảng gồm: Quyết định, kết luận, báo cáo, thông báo, văn bản của Trung ương Đảng và báo cáo, tờ trình, văn bản của cơ quan, tổ chức đảng trình xin ý kiến Trung ương Đảng về kinh phí đặc biệt dành cho quốc phòng, an ninh; về chủ trương thu, đổi tiền, phát hành tiền chưa công khai.
Bí mật nhà nước độ tuyệt mật của Đảng gồm những thông tin về kinh tế xã hội nào? (Hình từ Internet)
Bí mật nhà nước độ tối mật của Đảng gồm những thông tin về kinh tế xã hội nào?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Quyết định 1385/QĐ-TTg, thông tin về kinh tế xã hội thuộc bí mật nhà nước độ tối mật của Đảng gồm: Quyết định, kết luận, đề án, tờ trình, báo cáo, thông báo, văn bản của Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương, cấp ủy cấp tỉnh về chủ trương đầu tư, phát triển dự án kinh tế trọng điểm của đất nước phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa công khai.
Bí mật nhà nước độ mật gồm những thông tin về kinh tế xã hội nào?
Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 3 Quyết định 1385/QĐ-TTg, thông tin về kinh tế xã hội thuộc bí mật nhà nước độ mật của Đảng gồm: Quyết định, kết luận, đề án, tờ trình, báo cáo, thông báo, văn bản của cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy về chủ trương đầu tư, phát triển dự án kinh tế vùng, khu vực của tỉnh, thành phố gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Hành vi không ban hành quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước trong tổ chức theo quy định của pháp luật bị phạt bao nhiêu tiền?
Khoản 1 Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không ban hành quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan, tổ chức, địa phương theo quy định của pháp luật;
b) Sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;
c) Không thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;
d) Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền;
đ) Không bàn giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước;
e) Sử dụng bí mật nhà nước không đúng mục đích;
g) Xác định bí mật nhà nước đối với tài liệu không chứa nội dung bí mật nhà nước, đóng dấu chỉ độ mật lên tài liệu không chứa nội dung bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;
h) Xác định sai độ mật theo quy định của pháp luật;
i) Không xác định, đóng dấu chỉ độ mật bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
...
Căn cứ quy định trên, Hành vi không ban hành quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước trong tổ chức theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng.
Cần lưu ý rằng: Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Căn cứ quy định này, mức phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng được áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức mức phạt tiền được áp dụng gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân. Tức là 02 đến 06 triệu đồng.