Bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất tỉnh Bình Thuận

Bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất tỉnh Bình Thuận theo Quyết định 43/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận.

Nội dung chính

    Bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất tỉnh Bình Thuận

    Bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất tỉnh Bình Thuận theo quy định tại Điều 5 Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định 43/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận như sau:

    (1) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm bố trí quỹ đất trong các nghĩa trang theo quy hoạch để di dời mồ mả khi thu hồi đất.

    (2) Đối với mồ mả trong phạm vi đất thu hồi phải di dời thì được bồi thường các chi phí bao gồm: chi phí đào, bốc, di dời, xây dựng mới và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp để di dời mồ mả đến vị trí mới trong nghĩa trang theo quy hoạch. Mức bồi thường theo đơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

    (3) Trường hợp tự thu xếp việc di chuyển mồ mả ngoài khu vực được bố trí hoặc hình thức hoả táng, lưu giữ tro cốt tại các cơ sở lưu giữ tro cốt thì ngoài mức bồi thường tại khoản (2) còn được hỗ trợ tiền là 6.000.000 đồng/mộ.

    (4) Mồ mả xây có kiến trúc đặc biệt: Đơn vị thực hiện bồi thường lập dự toán hoặc thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực lập dự toán, gửi Phòng chuyên môn có chức năng về xây dựng của cấp huyện thẩm định hoặc thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực thẩm tra trình Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xem xét, có kết luận trước khi Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

    (5) Đối với mồ mả vô chủ hoặc trong trường hợp cưỡng chế di dời mồ mả: Đơn vị thực hiện bồi thường ký hợp đồng với đơn vị phục vụ mai táng của địa phương để tổ chức bốc mồ mả, cải táng và để thân nhân nhận lại mồ mả sau này và tiến hành thực hiện các nội dung sau:

    - Vẽ sơ đồ, tọa độ các mồ mả nói trên trước khi dời đi và phải chụp ảnh những mồ mả này.

    - Ghi thông tin về họ tên, tuổi, ngày chết, quê quán của người chết, noi đã chôn và tình trạng mồ mả trước lúc di chuyển.

    - Giữ lại bia mồ mả cũ, thánh giá cũ hoặc các vật đặc trưng của ngôi mồ mả (nếu có) để sau này chủ mồ mả có thêm bằng chứng xác minh. Thời gian giữ lại là 02 năm kể từ ngày di dời.

    (6) Đối với mồ mả có nhiều bộ hài cốt: Ngoài việc bồi thường di chuyển đối với 01 mồ mả theo quy định; mỗi một bộ hài cốt phát sinh sẽ được bồi thường di chuyển theo đơn giá mồ mả đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

    Bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất tỉnh Bình Thuận

    Bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất tỉnh Bình Thuận (Hình từ Internet) 

    Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

    Căn cứ khoản 7, khoản 8 Điều 18 Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định 43/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, gồm:

    (1) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:

    - Chỉ đạo rà soát quỹ đất bồi thường bằng đất trên địa bàn minh để công bố, công khai; tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn và giải quyết các chế độ chính sách theo quy định này và các quy định pháp luật hiện hành.

    - Xây dựng các bảng, biểu phục vụ kê khai, kiểm đếm, đo đạc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

    - Chỉ đạo hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp để hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

    - Chỉ đạo việc xác định đối tượng, điều kiện bố trí đất tái định cư, đối tượng và điều kiện giải quyết đất ở của các hộ gia đình, cá nhân; chỉ đạo thực hiện thủ tục giao đất và thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

    (2) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

    - Chủ trì, phối hợp với tổ chức được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, các đoàn thể để phổ biến và tuyên truyền vận động người bị thu hồi nhà, đất chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước.

    - Xác nhận bằng văn bản các nội dung thuộc chức năng thẩm quyền quy định; xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định.

    - Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chi tiết đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

    - Phối hợp với các cơ quan, bộ phận liên quan thực hiện đúng các quy định trong trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

    - Niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và điểm dân cư nông thôn các văn bản pháp lý liên quan, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    - Giải quyết khiếu nại, tố cáo của hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền.

    Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm những gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 94 Luật Đất đai 2024 quy định về kinh phí và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như sau:

    Kinh phí và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
    1. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Nhà nước bảo đảm. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm: tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí khác.

    Theo đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm: tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí khác.

    saved-content
    unsaved-content
    62
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT