Loading


Cá nhân được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ có được trồng cây dược liệu không?

Rừng phòng hộ được sử dụng với mục đích gì? Cá nhân được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ có phải nộp tiền sử dụng đất không?

Nội dung chính

    Rừng phòng hộ được sử dụng với mục đích gì?

    Theo khoản 3 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017 thì rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.

    Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017 thì căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại gồm rừng đặc dụng; rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu với mục đích các mục đích sau:

    (1) Bảo vệ nguồn nước;

    (2) Bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa;

    (3) Hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu;

    (4) Góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; 

    (5) Cung ứng dịch vụ môi trường rừng. 

    Đồng thời, rừng phòng hộ cũng được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:

    - Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới

    - Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

    Cá nhân được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ có được trồng cây dược liệu không?

    Cá nhân được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ có được trồng cây dược liệu không?(Hình Internet)

    Cá nhân được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ có phải nộp tiền sử dụng đất không?

    Theo khoản 34 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước giao đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.

    Căn cứ tại điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất rừng phòng hộ là loại đất lâm nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp, trên đất rừng phòng hộ đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ.

    Theo khoản 1 Điều 185 Luật Đất đai 2024 thì các đối tượng được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng bao gồm:

    - Ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;

    - Tổ chức kinh tế đối với đất rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích đất rừng sản xuất của tổ chức đó;

    - Cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ;

    - Cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ.

    Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất rừng phòng hộ sẽ được Nhà nước giao đất mà không thu tiền sử dụng đất. 

    Như vậy, nếu cá nhân thuộc một vào nhóm đối tượng được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng nêu trên thì sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất.

    Cá nhân được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ có được trồng cây dược liệu trên đất đó không?

    Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024 thì đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp đa mục đích với việc trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nêu sau:

    (1) Theo quy định tại khoản 2 Điều 218 Luật Đất đai 2024 thì việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu sau:

    - Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất 

    - Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính

    - Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;

    - Hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường;

    - Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề;

    - Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định;

    - Tuân thủ pháp luật có liên quan.

    (2) Theo quy định tại khoản 2 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng điều kiện sau:

    - Sử dụng đất vào mục đích kết hợp không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 121 Luật Đất đai 2024;

    - Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích;

    - Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ. Diện tích đất xây dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp trên đất trồng lúa, đất lâm nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa và pháp luật về lâm nghiệp. Đất có mặt nước không được san lấp làm thay đổi dòng chảy, diện tích bề mặt nước, chiều sâu tầng nước;

    - Việc xây dựng, cải tạo công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan;

    - Thời gian sử dụng đất vào mục đích kết hợp không vượt quá thời hạn sử dụng đất còn lại của mục đích chính.

    Như vậy, cá nhân được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất rừng phòng hộ có thể sử dụng đất rừng phòng hộ để kết hợp trồng cây dược liệu theo phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Tuy nhiên, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích này phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và điều kiện của việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định nêu trên.

    saved-content
    unsaved-content
    72