Loading


Chế độ thai sản của lao động nam trong thời gian thử việc

Tôi làm việc tại công ty A được gần 5 năm và đóng đầy đủ bảo hiểm theo quy định. Ngày 17/2/2019 tôi kết thúc hợp đồng lao động tại đây và vẫn đóng đủ bảo hiểm tháng 2/2019. Ngày 6/3/2019, tôi chuyển sang công ty B làm việc. Thời gian 2 tháng thử việc (6/3 - 6/5) sẽ chưa đóng bảo hiểm. Vợ tôi sinh cháu ngày 3/3/2019. Trường hợp này tôi có được hưởng bảo hiểm thai sản hay không?

Nội dung chính

    Chế độ thai sản của lao động nam trong thời gian thử việc

    Thứ nhất, về thời gian nghỉ khi vợ sinh con

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:

    1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Lao động nữ mang thai;

    b) Lao động nữ sinh con;

    c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

    d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

    đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

    e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

    Và Khoản 2 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

    2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

    a) 05 ngày làm việc;

    b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

    c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

    d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

    Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

    Theo đó, lao động nam đang đóng BHXH bắt buộc có vợ sinh con sẽ được nghỉ từ 05 ngày làm việc trở lên tùy từng trường hợp. Do đó, Anh đang trong thời gian 02 tháng thử việc, tức là đang không đóng BHXH bắt buộc nên sẽ không được hưởng chế độ ngày nghỉ này.

    Thứ hai, về trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trường hợp này chỉ áp dụng khi vợ Anh không tham gia BHXH mà chỉ có Anh tham gia BHXH)

    Căn cứ theo quy định Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

    Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

    Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

    Và theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH:

    2. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:

    a) Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;

    b) Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

    Theo quy định trên, khi vợ sinh con mà không tham gia BHXH thì chồng sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện sau: một là, người chồng đang tham gia bảo hiểm xã hội; hai là, chồng phải đóng BHXH ít nhất 6 tháng trở lên trong thời gian 12 trước khi sinh thì mới đủ điều kiện nhận trợ cấp. Như vậy, trong trường hợp này, do Anh trong thời gian thử việc, không đang tham gia BHXH nên Anh sẽ không được nhận trợ cấp khi vợ sinh.

    Ban biên tập thông tin đến Anh!

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    295