Chỉ đạo mới nhất về dự án khu đô thị 44,5 nghìn tỷ ở Bắc Ninh
Nội dung chính
Chỉ đạo mới nhất về dự án khu đô thị 44,5 nghìn tỷ ở Bắc Ninh
UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành công văn hỏa tốc liên quan đến việc triển khai các thủ tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) có quy mô sử dụng đất hơn 267 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 44.542 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) là đầu tư xây dựng, kinh doanh khu đô thị hiện đại, thông minh, đẳng cấp quốc tế, đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường tích hợp những tiện ích nâng tầm chất lượng cuộc sống, gắn kết cộng đồng với các sản phẩm nhà ở, công trình xây dựng được bán, cho thuê, cho thuê mua đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chỉ đạo mới nhất về dự án khu đô thị 44,5 nghìn tỷ ở Bắc Ninh (Hình từ internet)
Dự án khu đô thị phải xây dựng như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 26 Nghị định 11/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 117/2021/NĐ-CP về sử dụng đất dành cho đường bộ quy định như sau:
Sử dụng đất dành cho đường bộ
...
3. Dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ và các công trình khác phải xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có hệ thống đường gom nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ. Chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống đường gom, không được sử dụng đất dành cho đường bộ để làm công trình phụ trợ, đường đấu nối; trường hợp cần phải sử dụng đất dành cho đường bộ để làm đường đấu nối vào quốc lộ thì phải thực hiện đúng vị trí điểm đấu nối được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.
...
Như vậy, các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ và các công trình khác phải được xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải có hệ thống đường gom nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ.
Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm xây dựng hệ thống đường gom và không được phép sử dụng đất dành cho đường bộ để làm công trình phụ trợ hoặc đường đấu nối. Nếu cần sử dụng đất dành cho đường bộ để xây dựng đường đấu nối vào quốc lộ, phải thực hiện theo đúng vị trí điểm đấu nối do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Điều 29 Nghị định 11/2010/NĐ-CP.
Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị nào là dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn?
Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư 2020 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022 về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định như sau:
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:
1. Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;
b) Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên;
c) Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không;
d) Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I;
đ) Dự án đầu tư chế biến dầu khí;
e) Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;
g) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên;
g1) Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới;
h) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;
...
Như vậy, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc dân số từ 50.000 người trở lên được xem là dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.