Loading


Chồng đi cầm cố sổ đỏ, vợ có lấy sổ đỏ về được không?

Chồng có được cầm cố sổ đỏ không? Chồng đi cầm cố sổ đỏ, vợ có lấy sổ đỏ về được không?

Nội dung chính

    Chồng có được cầm cố sổ đỏ không?

    Pháp luật hiện hành không đưa ra định nghĩa cụ thể về "sổ đỏ." Tuy nhiên, thuật ngữ này được người dân sử dụng để chỉ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất," lấy tên từ màu bìa đỏ của loại giấy chứng nhận này. Theo khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    Tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo đó, tài sản gồm có 4 loại là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trong đó, theo Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

    Ngoài ra, Mục 2 Công văn 141/TANDTC-KHXX năm 2011 cũng nêu rõ rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không phải là “giấy tờ có giá”.

    Vì vậy, có thể khẳng định sổ đỏ không phải là tài sản mà chỉ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    Điều quan trọng cần lưu ý là tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, cầm cố tài sản được định nghĩa là hành vi mà bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Quy định này làm rõ rằng chỉ những tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên cầm cố mới được phép giao dịch cầm cố.

    Do đó, sổ đỏ không đáp ứng điều kiện để trở thành đối tượng của giao dịch cầm cố theo quy định pháp luật.

    Tóm lại, pháp luật hiện hành không công nhận giao dịch cầm cố sổ đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc người chồng không thể sử dụng sổ đỏ làm tài sản để thực hiện cầm cố hợp pháp.

    Chồng đi cầm cố sổ đỏ, vợ có lấy sổ đỏ về được không?

    Chồng đi cầm cố sổ đỏ, vợ có lấy sổ đỏ về được không? (Hình từ Internet)

    Chồng đi cầm cố sổ đỏ thì giao dịch cầm cố sổ đỏ giữa chồng và bên nhận cầm cố có bị vô hiệu không?

    Thứ nhất, dựa trên các phân tích trước đó, có thể khẳng định rằng Nhà nước không công nhận việc cầm cố sổ đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc những giao dịch liên quan đến cầm cố loại giấy tờ này không được pháp luật thừa nhận và không có giá trị pháp lý.

    Tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Trong đó, điều cấm của luật được hiểu là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

    Việc thực hiện một giao dịch không được pháp luật công nhận được xem là hành vi vi phạm điều cấm của luật. Do đó, giao dịch cầm cố sổ đỏ được xác định là giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cầm của luật và bị vô hiệu theo quy định nêu trên.

    Thứ hai, tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

    Theo đó, nếu quyền sử dụng đất tương ứng với sổ đỏ bị mang đi cầm cố là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân và không phải là tài sản người chồng có được do được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng, đồng thời cũng không có thỏa thuận về chế độ tài sản trước hôn nhân theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì đây được xác định là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng.

    Trường hợp xác định quyền sử dụng đất tương ứng là tài sản chung của vợ chồng thì theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trừ khi hai vợ chồng có thỏa thuận khác, việc định đoạt tài sản chung là quyền sử dụng đất phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Nếu không có sự thỏa thuận của vợ chồng được lập thành văn bản thì giao dịch cầm cố do người chồng tự thực hiện có thể xác định là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật (vi phạm về mặt chủ thể tham gia giao dịch).

    Tóm lại, có thể kết luận rằng giao dịch cầm cố sổ đỏ giữa chồng và bên nhận cầm cố là trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.

    Chồng đi cầm cố sổ đỏ, vợ có lấy sổ đỏ về được không?

    Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

    Theo đó, khi giao dịch cầm cố sổ đỏ giữa người chồng và bên nhận cầm cố bị xác định là vô hiệu, người vợ có quyền yêu cầu bên nhận cầm cố hoàn trả lại sổ đỏ. Trong trường hợp bên nhận cầm cố không tự nguyện trả lại sổ đỏ, người vợ có thể khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Tòa án sẽ xem xét và ra phán quyết tuyên bố giao dịch cầm cố vô hiệu, đồng thời buộc bên nhận cầm cố hoàn trả sổ đỏ theo quy định pháp luật.

    Như vậy, trong tình huống này, người vợ hoàn toàn có quyền yêu cầu lấy lại sổ đỏ thông qua các biện pháp thương lượng hoặc khởi kiện tại Tòa án nếu cần thiết.

    saved-content
    unsaved-content
    97