Chủ đầu tư được xác định trước hay sau khi lập dự án đầu tư xây dựng?
Nội dung chính
Chủ đầu tư được xác định trước hay sau khi lập dự án đầu tư xây dựng?
Căn cứ tại khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, giải thích về chủ đầu tư như sau:
Chủ đầu tư xây dựng (sau đây gọi là chủ đầu tư) là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.
Đồng thời, căn cứ tại khoản 1 Điều 7 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về chủ đầu tư như sau:
Chủ đầu tư
1. Chủ đầu tư được xác định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng hoặc khi phê duyệt dự án hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Căn cứ nguồn vốn sử dụng cho dự án đầu tư xây dựng, việc xác định chủ đầu tư được quy định như sau:
a) Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc xác định chủ đầu tư được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này và pháp luật về đầu tư công;
b) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công), chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng;
c) Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP), chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án PPP được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
d) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn khác) mà pháp luật về đầu tư có quy định phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các nhà đầu tư có thể thành lập tổ chức hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư làm chủ đầu tư. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư thì việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan;
đ) Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân bỏ vốn để đầu tư xây dựng.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên, chủ đầu tư được xác định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng hoặc khi phê duyệt dự án hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Chủ đầu tư được xác định trước hay sau khi lập dự án đầu tư xây dựng? (Hình từ Internet)
Chủ đầu tư có những quyền gì trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 68 Luật Xây dựng 2014, quy định về quyền của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng như sau:
Theo đó, chủ đầu tư có các quyền sau:
- Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định Luật Xây dựng 2014;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án;
- Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án;
- Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo thẩm quyền;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng gồm những gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 68 Luật Xây dựng 2014, quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng như sau:
Theo đó, chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:
- Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;
- Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định Luật Xây dựng 2014;
- Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
- Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự án theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và của người quyết định đầu tư;
- Tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định tại Điều 66 Luật Xây dựng 2014;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Thu hồi vốn, trả nợ vốn vay đối với dự án có yêu cầu về thu hồi vốn, trả nợ vốn vay;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.