Có đăng ký thường trú tại nơi có đất nhưng không có nhà được không?
Nội dung chính
Chỉ được đăng ký thường trú khi có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình đúng không?
Theo khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú 2020 thì công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.
Thêm vào đó, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng đủ điều kiện. (khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020)
Công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường tại khoản 4 Điều 20 Luật Cư trú 2020.
Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp được đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý. (khoản 5 Điều 20 Luật Cư trú 2020)
Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện (khoản 6 Điều 20 Luật Cư trú 2020)
Như vậy, công dân không chỉ được đăng ký thường trú khi có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà còn có thể đăng ký thường trú tại nơi ở được nêu tại nội dung trên nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Có đăng ký thường trú tại nơi có đất nhưng không có nhà được không?(Hình từ Internet)
Có đăng ký thường trú tại nơi mình có đất nhưng không có nhà được không?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện đăng ký thường trú thì phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP, cụ thể:
(1) Đối với đã có đất nhưng chưa xây nhà
Tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở)
Từ quy định trên, nếu chỉ có đất nhưng không có nhà thì không được đăng ký thường trú tại nơi có đất đó. Bởi vì lúc này không có thông tin của nhà trên đất nên không thể tiến hành thủ tục đăng ký thường trú.
(2) Đã xây nhà xong nhưng chưa đăng ký tài sản gắn liền với đất
Trường hợp này tuy chưa có thông tin của căn nhà trên đất tuy nhiên vẫn có thể tiến hành thủ tục đăng ký thường trú được nếu có giấy phép xây dựng (đối với công trình phải cấp giấy phép xây dựng) và đã xây dựng hoàn tất. (điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP)
Bên cạnh đó, nếu không thuộc trường hợp trên thì công dân khi đăng ký thường trú có thể chứng minh chỗ ở hợp pháp thông qua các giấy tờ sau nếu đã có đất và chưa có thông tin nhà trên giấy chứng nhận:
- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu tại Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP; (điểm h khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP)
- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).(điểm l khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP)
Như vậy, không thể đăng ký thường trú tại nơi chỉ có đất nhưng không có nhà vì không đáp ứng điều kiện về chỗ ở hợp pháp theo quy định. Tuy nhiên, nếu đã xây nhà trên đất nhưng chưa đăng ký tài sản gắn liền với đất, công dân vẫn có thể đăng ký thường trú bằng cách cung cấp giấy phép xây dựng và chứng minh việc xây dựng đã hoàn tất. Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, công dân có thể sử dụng giấy tờ xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức quản lý đất để chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định pháp luật.
Thủ tục đăng ký thường trú như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật Cư trú 2020 thì thủ tục đăng ký thường trú được quy định như sau:
Bước 1: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.
Bước 2: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.