Loading


Có được mua đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ trong trường hợp không sinh sống trong khu vực đó không?

Cho tôi hỏi, có được mua đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ trong trường hợp không sinh sống trong khu vực đó không?

Nội dung chính

    Có được mua đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ trong trường hợp không sinh sống trong khu vực đó không?

    Việc mua đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ được quy định tại khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
    ...8. Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau:
    a) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
    b) Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;
    c) Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sửdụng đất.

    Như vậy, theo quy định, nếu cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ thì không được mua đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ đó.

    Có được mua đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ trong trường hợp không sinh sống trong khu vực đó không? (Hình ảnh Internet)

    Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà mua đất nông nghiệp trong khu vực đó bị phạt bao nhiêu?

    Hiện nay, Luật Đất đai 2013 đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Đất đai 2024, do đó, điều kiện quy định tại các Điều 191 và Điều 192 Luật đất đai 2013 được thay bằng điều kiện nêu tại Điều 45 Luật Đất đai 2024.

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt đối với hành vi mua đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ như sau:

    Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện mà không đủ điều kiện quy định tại các Điều 191 và Điều 192 của Luật đất đai
    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng mà không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

    Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định như sau:

    Áp dụng mức phạt tiền
    1. Đối tượng áp dụng mức phạt tiền thực hiện như sau:
    a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;
    b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức.
    ...

    Như vậy, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà mua đất nông nghiệp trong khu vực thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

    Đồng thời, phải trả lại diện tích đất đã mua cho bên bán trừ trường hợp mà bên chuyển quyền không còn sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật (khoản 5 Điều 26 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)

    Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ là bao lâu?

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 91/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP như sau:

    Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
    1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm.
    2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
    a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
    b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
    ...

    Vậy nên, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ mà không sinh sống trong khu vực đó là 02 năm.

    saved-content
    unsaved-content
    51