Cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng phải phù hợp với nội dung gì?
Nội dung chính
Cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh giá phải phù hợp với nội dung gì?
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 38 Nghị định 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi điểm a khoản 3 bởi điểm b khoản 14 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP về điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng
...
3. Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng:
...
b) Cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh giá phải phù hợp với nội dung công việc trong hợp đồng. Trong hợp đồng phải quy định việc sử dụng nguồn thông tin về giá hoặc nguồn chỉ số giá của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh giá hợp đồng theo công thức sau:
GTT = GHĐ x Pn
Trong đó:
- “GTT”: Là giá thanh toán tương ứng với các khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu.
- “GHĐ”: Là giá trong hợp đồng tương ứng với các khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu.
- “Pn”: Hệ số điều chỉnh (tăng hoặc giảm) được áp dụng cho thanh toán hợp đồng đối với các khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu trong khoảng thời gian “n”.
4. Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về điều chỉnh hợp đồng xây dựng.
Như vậy, cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh giá phải phù hợp với nội dung công việc trong hợp đồng.
Cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng phải phù hợp với nội dung gì? (Hình từ Internet)
Chi phí cho ban xử lý tranh chấp có được tính trong giá hợp đồng xây dựng không?
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng
1. Khi giải quyết các tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, các bên phải tuân thủ nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định tại Khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
2. Trường hợp các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua hòa giải được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức hoặc một, một số cá nhân chuyên gia (gọi chung là ban xử lý tranh chấp), khi đó việc xử lý tranh chấp hợp đồng thông qua ban xử lý tranh chấp được quy định như sau:
a) Ban xử lý tranh chấp có thể được nêu trong hợp đồng tại thời điểm ký kết hoặc thiết lập sau khi có tranh chấp xảy ra. Số lượng thành viên ban xử lý tranh chấp do các bên tự thỏa thuận. Thành viên ban xử lý tranh chấp phải là người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung tranh chấp, kinh nghiệm trong vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng và hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng xây dựng.
b) Trong thời hạn hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày các bên nhận được kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp, nếu một bên không đồng ý kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp thì có quyền phản đối và các tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật; trường hợp quá thời hạn nêu trên không bên nào phản đối kết luận hòa giải thì coi như các bên đã thống nhất với kết luận hòa giải. Khi đó, các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải.
c) Chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng và do mỗi bên hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Thời hiệu khởi kiện theo thủ tục Trọng tài hoặc thời hiệu khởi kiện lên Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật.
Theo đó, chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng. Chi phí này sẽ được phân bổ vào giá hợp đồng và do mỗi bên trong hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng thì ai thực hiện mua bảo hiểm công trình?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 46 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về bảo hiểm và bảo hành theo hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Bảo hiểm và bảo hành theo hợp đồng xây dựng
1. Bảo hiểm
a) Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Trường hợp, phí bảo hiểm này đã được tính vào giá hợp đồng thì bên nhận thầu thực hiện mua bảo hiểm công trình theo quy định.
b) Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên.
c) Bên nhận thầu phải thực hiện mua các loại bảo hiểm cần thiết (bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm thiết bị, bảo hiểm đối với bên thứ ba,...) để bảo đảm cho hoạt động của mình theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng thì bên nhận thầu thực hiện mua bảo hiểm công trình theo quy định.