Loading


Đã có Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất từ ngày 01/6/2023?

Từ ngày 01/6/2023, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất bao gồm những phế liệu nào?

Nội dung chính

    Đã có Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất từ ngày 01/6/2023?

    Ngày 22/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 13/2023/QĐ-TTg về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

    Theo đó, danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất bao gồm:

    - Phế liệu sắt, thép, gang (Mã HS 7204.10.00)

    + Phế liệu và mảnh vụn của gang đúc (Mã HS 7204.21.00)

    + Phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim (Mã HS 7204.29.00)

    + Phế liệu và mảnh vụn của sắt hoặc thép tráng thiếc (Mã HS 7204.30.00)

    + Phế liệu và mảnh vụn khác như phoi tiện, phoi bào,mảnh vỡ, vảy cán, mạt cưa, mạt giũa, phoi cắt và bavia, đã hoặc chưa được ép thành khối hoặc đóng thành kiện, bánh, bó...(Mã HS 7204.41.00)...

    - Phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic):

    + Từ các polyme từ etylen dạng xốp, không cứng (Mã HS 3915.10.10)

    + Từ các polyme từ vinyl clorua loại khác (Mã HS 3915.10.90)

    + Từ các polyme từ styren: Loại khác: Polyme Styren (PS), Acrylonitrin Butadien Styren (ABS); High Impact Polystyrene (HIPS); Expanded Polystyrene (EPS) (Mã HS 3915.20.90) …

    - Phế liệu giấy:

    + Giấy kraft hoặc bìa kraft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng (Mã HS 4707.10.00);

    + Giấy hoặc bìa khác được làm chủ yếu bằng bột giấy thu được từ quá trình hóa học đã tẩy trắng, chưa nhuộm màu toàn bộ (Mã HS 4707.20.00);

    + Giấy hoặc bìa được làm chủ yếu bằng bột giấy thu được từ quá trình cơ học (Mã HS 4707.30.00).

    - Phế liệu thủy tinh:

    Thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác, trừ thủy tinh từ ống đèn tia âm cực hoặc thủy tinh hoạt tính khác thuộc nhóm 85.49 (Mã HS 7001.00.00).

    - Phế liệu kim loại màu:

    + Phế liệu và mảnh vụn của đồng (Mã HS 7404.00.00);

    + Phế liệu và mảnh vụn của niken (Mã HS 7503.00.00);

    + Phế liệu và mảnh vụn của nhôm (Mã HS 7602.00.00);

    + Phế liệu và mảnh vụn của kẽm (Mã HS 7902.00.00);;

    + Phế liệu và mảnh vụn thiếc (Mã HS 8002.00.00);

    + Phế liệu và mảnh vụn của mangan (Mã HS 8111.00.10);

    Lưu ý: Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa.

    Hồ sơ phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất bao gồm những tài liệu gì?

    Tại khoản 8 Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định về hồ sơ phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như sau:

    Yêu cầu về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

    ...

    8. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất khai thông tin, nộp hồ sơ chứng từ điện tử và làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan. Ngoài những hồ sơ theo quy định của pháp luật về hải quan, hồ sơ phế liệu nhập khẩu phải có các tài liệu sau đây:

    a) Chứng chỉ chất lượng của nước xuất khẩu (nếu có); giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có); ảnh hoặc bản mô tả phế liệu;

    b) Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân nhập khẩu);

    c) Chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu;

    d) Văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định này.

    9. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm như sau:

    a) Nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu quy định trong giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 4 Điều này;

    b) Sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Nghị định này;

    c) Phân định, phân loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý chất thải phù hợp;

    d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; phối hợp với hiệp hội ngành nghề thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định; thanh toán toàn bộ các khoản chi phí xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm.

    10. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật đánh giá sự phù hợp và chứng nhận, thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Điều này.

    Như vậy, hồ sơ nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất bao gồm:

    - Hồ sơ chứng từ điện tử và làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan.

    Ngoài những hồ sơ theo quy định của pháp luật về hải quan thì hồ sơ phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài còn bao gồm:

    - Chứng chỉ chất lượng của nước xuất khẩu (nếu có); giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có); ảnh hoặc bản mô tả phế liệu;

    - Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân nhập khẩu);

    - Chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu;

    - Văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

    Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào làm nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng những yêu cầu gì?

    Tại khoản 2 Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào làm nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng những yêu cầu như sau:

    - Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;

    - Có giấy phép môi trường;

    - Ký quỹ bảo vệ môi trường trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;

    - Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

    Lưu ý: Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    213