Diện tích đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số với hạn mức giao đất của địa phương ra sao sẽ được hỗ trợ đất đai?
Nội dung chính
Diện tích đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số so với hạn mức giao đất của địa phương ra sao thì được hỗ trợ đất đai?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số quy định như sau:
Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
1. Việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai thực hiện như sau:
a) Đối với trường hợp không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở; người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở;
b) Đối với trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức.
...
Như vậy, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện được hỗ trợ đất đai nếu diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương thì sẽ được giao bổ sung đất nông nghiệp để đảm bảo diện tích phù hợp trong hạn mức.
Diện tích đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số với hạn mức giao đất của địa phương ra sao sẽ được hỗ trợ đất đai? (Hình từ Internet)
Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có gồm xác định mục tiêu sử dụng nhóm đất nông nghiệp không?
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 20 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện quy định như sau:
Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện
1. Nội dung lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện
a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, hiện trạng môi trường và biến đổi khí hậu tác động đến sử dụng đất của cấp huyện;
b) Phân tích, đánh giá các nguồn lực của huyện và tỉnh tác động trực tiếp đến việc sử dụng đất của cấp huyện;
c) Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, biến động sử dụng đất 10 năm trước, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện kỳ trước theo các loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai và các điều 4, 5 và 6 Nghị định này;
d) Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất theo các nội dung quản lý nhà nước về đất đai quy định tại Điều 20 Luật Đất đai có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;
đ) Xác định quan điểm, mục tiêu sử dụng nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;
e) Dự báo xu thế chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch;
g) Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất gồm chỉ tiêu sử dụng đất do quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phân bổ cho cấp huyện và diện tích các loại đất còn lại quy định tại Điều 9 Luật Đất đai và các điều 4, 5 và 6 Nghị định này theo nhu cầu sử dụng đất cấp huyện đến từng đơn vị hành chính cấp xã;
h) Phân kỳ kế hoạch sử dụng đất 05 năm trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm đầu của thời kỳ quy hoạch theo nội dung quy định tại điểm g khoản này;
i) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất: giải pháp bảo vệ, cải tạo đất, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xác định các nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất; giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
...
Theo đó, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bao gồm việc xác định mục tiêu sử dụng nhóm đất nông nghiệp.
Xác định quan điểm, mục tiêu sử dụng các nhóm đất, bao gồm:
- Nhóm đất nông nghiệp.
- Nhóm đất phi nông nghiệp.
- Nhóm đất chưa sử dụng.
Khả năng chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương?
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quy định như sau:
Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất
...
3. Tiêu chí phân bổ các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho quy hoạch sử dụng đất cấp huyện
a) Đối với đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác: ngoài các tiêu chí quy định tại điểm a khoản 2 Điều này còn được xác định trên cơ sở định hướng sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh; nhu cầu sử dụng đất, khả năng chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương;
b) Đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm: ngoài các tiêu chí quy định tại điểm b khoản 2 Điều này còn được xác định trên cơ sở định hướng sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh; hiện trạng, lợi thế, tiềm năng, định hướng phát triển cây lâu năm gắn với chuỗi phát triển của vùng, lợi thế của địa phương; yêu cầu về tỷ lệ che phủ rừng;
c) Đối với đất quốc phòng, đất an ninh: ngoài các tiêu chí quy định tại điểm c khoản 2 Điều này còn được xác định trên cơ sở định hướng sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh; hiện trạng sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh, nhu cầu sử dụng đất, khả năng bố trí quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh của địa phương phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh đã được phê duyệt;
...
Như vậy, khả năng chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, đặc biệt đối với đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác, phải dựa trên:
- Các tiêu chí quy định tại điểm b khoản 2 Điều 22 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.
- Định hướng sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh.
- Nhu cầu sử dụng đất.
- Khả năng chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp sao cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.